Hai bên đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên tại Nhật Bản hồi tuần trước để thảo luận về các biện pháp tiếp theo sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol đề nghị với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida về việc cử các chuyên gia Hàn Quốc tham gia giám sát việc xả nước thải ở Fukushima.
Trong cuộc họp được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Litva, ông Yoon cũng đề nghị dừng ngay việc xả thải nếu nồng độ phóng xạ trong nước vượt quá mức tiêu chuẩn và yêu cầu Nhật Bản thông báo ngay cho Hàn Quốc.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Tokyo liên quan đến bức thư do lãnh đạo đảng Dân chủ (DP) đối lập chính gửi cho ông Kishida. Hôm 28/7, Hạ nghị sĩ Lee Jae-myung, Chủ tịch DP, đã gửi thư qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul để bày tỏ mối quan ngại đối với kế hoạch xả nước thải.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày 1/8, chính quyền tỉnh Fukushima của Nhật Bản cho biết Thụy Sĩ có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu mà nước này đã áp đặt đối với các thực phẩm từ các vùng của Nhật Bản sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011. Theo đó, vào ngày 15/8, Thụy Sĩ sẽ tiếp bước Liên minh châu Âu (EU) trong việc loại bỏ các biện pháp kiểm soát còn lại về yêu cầu kiểm tra phóng xạ đối với một số nông sản và thủy hải sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản, bao gồm cả Fukushima. Thụy Sĩ không phải là thành viên EU.
Theo chính quyền tỉnh Fukushima, Đại sứ Thụy Sĩ tại Nhật Bản Andreas Baum đã thông báo với Thống đốc tỉnh Fukushima, Masao Uchibori về quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế khi hai bên gặp nhau tại Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Tokyo hôm 31/7.