Phát biểu với các phóng viên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels, ông Kristersson nói: "Tôi đã được thông báo trước rằng họ không có kế hoạch trì hoãn bất cứ điều gì về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và tôi chắc chắn sẽ có cơ hội trao đổi vài lời với Thủ tướng Viktor Orban tại đây hôm nay. Tôi chỉ muốn thảo luận với ông ấy và hỏi ông ấy xem những thông điệp trước đó có còn hiệu lực hay không".
Trước đó, ông Agnes Vadai, nghị sĩ của đảng đối lập Liên minh Dân chủ (DK) ở Hungary cho biết một ủy ban Hạ viện đã từ chối đề xuất lên lịch biểu quyết về việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vào tuần tới.
Sau cuộc họp kín của ủy ban trên, ông Vadai tiết lộ với hãng tin Reuters rằng các nhà lập pháp của đảng cầm quyền Fidesz và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trong ủy ban không ủng hộ việc đưa cuộc bỏ phiếu vào chương trình nghị sự của phiên họp Quốc hội vào tuần tới.
Quốc hội Hungary sẽ tổ chức 3 phiên họp bất thường vào các ngày 3, 4 và 7/7, nhưng nội dung chỉ tập trung vào cuộc bỏ phiếu cuối cùng về luật ngân sách năm 2024. Đây là các phiên họp cuối cùng của Quốc hội Hungary trước khi nghỉ hè. Tín hiệu này có nghĩa là quyết định của Hungary về việc có chấp nhận Thụy Điển gia nhập NATO hay không có thể bị trì hoãn ít nhất cho đến mùa thu năm nay.
Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban trước đó đã nhiều lần trì hoãn quá trình phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO, dù các thành viên Nội các đều khẳng định ủng hộ quốc gia Bắc Âu trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự này. Nếu Quốc hội Hungary không tổ chức bỏ phiếu trong tuần tới, Thụy Điển sẽ chưa thể trở thành thành viên của NATO trước hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius (Litva) vào ngày 11 - 12/7 tới.
Ngoài ra, Thụy Điển đến nay cũng chưa nhận được sự phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ, do cho rằng Stockholm chưa đáp ứng tất cả các yêu cầu của Ankara liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố và những phần tử mà chính quyền Ankara coi là khủng bố.