Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine cách đây một năm, các kệ hàng của chuỗi siêu thị Novus ở Kiev nhanh chóng trống rỗng do chuỗi cung ứng của họ - cả trong và ngoài nước - sụp đổ. Các sản phẩm tươi sống trở nên khan hiếm và tình trạng mua hoảng loạn lan rộng.
Oleksiy Panasenko, Phó Tổng giám đốc điều hành của Novus, nhớ lại việc kinh doanh đã khó khăn như thế nào khi họ, giống như nhiều chuỗi bán lẻ lớn khác, phải tìm cách thích nghi. "Vào ngày thứ hai (của cuộc xung đột), đã có giao tranh ở ngoại ô Kiev. Vào tháng 2 và 3/2022, các cửa hàng của chúng tôi không chỉ là nơi để mua thực phẩm: chúng là nơi gặp gỡ, trao đổi", ông Panasenko nói.
Và khi quân đội Ukraine đẩy lùi được các lực lượng Nga khỏi Kiev, lĩnh vực bán lẻ và nền kinh tế nói chung của Ukraine bắt đầu hồi phục. Dữ liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu của Ukraine - tập hợp hơn 1.000 doanh nghiệp nước ngoài và Ukraine - cho thấy vào cuối tháng 5/2022, 47% thành viên của họ đã khôi phục hoàn toàn hoạt động và 50% khác đang hoạt động với một số hạn chế.
Nhưng sau đó các cuộc tấn công bằng tên kể từ tháng 10/2022, giáng một đòn mạnh vào Ukraine. Những cơ sở hạ tầng như mạng lưới điện trên khắp đất nước bị hư hại, dẫn đến mất điện trong mùa Đông lạnh giá và ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp nặng.
Năm ngoái, nền kinh tế Ukraine đã suy giảm 1/3, mức giảm lớn nhất kể từ khi Ukraine độc lập năm 1991. Trước xung đột, sản lượng kinh tế hàng năm của Ukraine đã lên tới 200 tỷ USD.
Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai mà không có dấu hiệu chấm dứt, những thách thức với Ukraine là rất lớn. Việc tiếp cận nguồn điện ổn định sẽ là một vấn đề quan trọng. Theo các nhà kinh tế, hai quan chức chính phủ và giám đốc điều hành của hai công ty tư nhân ở Ukraine, trong khi nhiều doanh nghiệp đang tìm cách đối phó với xung đột, thì những doanh nghiệp không thể hoạt động bằng máy phát điện sẽ gặp khó khăn trong năm nay.
ArcelorMittal Kryvyi Rih, nhà máy thép lớn nhất Ukraine, cho biết sản lượng của họ hiện ở mức khoảng 25% so với mức trước xung đột trong bối cảnh thiếu điện.
"Chúng tôi thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ thích nghi khá nhanh với tình trạng thiếu điện bằng cách mua máy phát điện, pin và các thiết bị khác, trong khi thiệt hại về cơ sở hạ tầng vẫn ở mức vừa phải", Olena Bilan, nhà kinh tế trưởng tại công ty đầu tư Dragon Capital, cho biết.
"Nếu tình hình này kéo dài, mức giảm GDP năm 2023 sẽ không lớn như chúng tôi dự đoán. Nhưng dự báo của chúng tôi cũng cho thấy giai đoạn khốc liệt của cuộc xung đột sẽ vào cuối quý 3/2023", bà Bilan nói. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Ukraine dự báo GDP sẽ tăng 0,3% trong năm nay và Bộ Kinh tế nước này dự báo tăng trưởng 3,2%.
Từ mùa Hè năm ngoái, các quan chức Ukraine đã bắt đầu tỏ ra tự tin hơn về nền kinh tế của nước này, đặc biệt là sau một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gian. Thỏa thuận này đã cứu ngành nông nghiệp Ukraine, vốn chiếm khoảng 12% GDP và khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu trước xung đột.
Tính đến giữa tháng 2 năm nay, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine cho vụ mùa 2022-2023 - vốn kéo dài từ tháng 7 năm trước đến tháng 6 năm sau - đã giảm 29,3% so với cùng kỳ xuống 29,7 triệu tấn.
Vitaly Vavrishchuk, nghiên cứu trưởng tại nhà đầu tư ICU, cho biết sự gia tăng mạnh cho chi tiêu quân sự, bao gồm cả tiền lương cho quân đội, cũng đã tạo ra một vấn đề cho nền kinh tế. Ukraine đã chi 40,6 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng vào năm 2022 - tương đương với khoảng 1/3 sản lượng kinh tế - theo Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine.
Con số này cao hơn khoảng năm lần so với ngân sách quốc phòng dự kiến trước xung đột. Hàng chục tỷ USD viện trợ nước ngoài đã đổ vào Ukraine, vừa để giúp bù đắp thâm hụt ngân sách vừa trang bị cho các lực lượng Ukraine.
Nhưng bất chấp những mặt tích cực, Ukraine vẫn chưa thể phục hồi so với trước xung đột và thiệt hại kinh tế là rất lớn. Giao tranh đã phá hủy trường học, bệnh viện, bến cảng, đường sá và cầu cống. Trường Kinh tế Kiev ước tính thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng do xung đột là 138 tỷ USD vào tháng 12 năm ngoái.
Tỷ lệ nghèo đói đã tăng vọt và thâm hụt ngân sách được dự báo sẽ ở mức 38 tỷ USD vào năm 2023 sau khi nguồn thu từ thuế sụt giảm. Chính phủ Ukraine đang phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây để trang trải - phần lớn là từ Mỹ và EU.
Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenko cho biết: “Chính phủ Ukraine đã thực hiện các biện pháp giúp giảm thâm hụt hàng tháng trong năm 2023 xuống còn 3-3,5 tỷ USD, nhưng đây vẫn là một con số khổng lồ”.
Chính quyền Ukraine đã kêu gọi các nhà tài trợ bắt đầu lập kế hoạch cho nhiệm vụ tái thiết lớn trong năm nay, mặc dù họ thừa nhận việc xây dựng quy mô lớn sẽ khó khăn cho đến khi hòa bình trở lại. Theo ông Marchenko, từ 40% đến 60% lĩnh vực năng lượng đã bị tổn hại. Các sự kiện kinh doanh thường được tổ chức tại các hầm trú ẩn dưới lòng đất để đảm bảo an toàn. Mất điện diễn ra thường xuyên.
Ngành thép, trụ cột chính của nền kinh tế Ukraine, là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ukraine là nhà sản xuất thép lớn thứ 14 thế giới trước xung đột. Hai nhà sản xuất thép hàng đầu là Azovstal và MMK Illicha ở Mariupol đã bị phá hủy và chính thức phá sản.
Những lĩnh vực khác đang phải vật lộn với tình trạng mất điện. "Mất điện đối với những công ty như chúng tôi là một vấn đề lớn", Mauro Longobardo, Tổng Giám đốc của ArcelorMittal Kryvyi Rih. Công ty này gần đây đã bắt đầu nhập khẩu điện, nhưng chi phí cao. Hệ thống điện của Ukraine được kết nối với lưới điện châu Âu, nơi có giá cao hơn và nước này đã nhập khẩu điện từ nước láng giềng Slovakia.
Thiếu hụt năng lượng không phải là thách thức duy nhất đối với các công ty. Vấn đề hậu cần là một vấn đề đau đầu khác đối với họ. Việc Nga phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine khiến nhiều doanh nghiệp phải tìm các tuyến đường xuất khẩu mới qua Ba Lan.