Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tối 13/6 đã tiến hành cuộc gặp khẩn cấp với đại diện các nhóm biểu tình sau khi lực lượng này bác bỏ lời "cảnh báo cuối cùng" của ông phải giải tán khỏi công viên Gezi nằm dọc theo quảng trường Taksim ở Istanbul. Đây được xem là nỗ lực cuối cùng của chính phủ nhằm chấm dứt cuộc biểu tình kéo dài suốt 2 tuần qua tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Người biểu tình trong cuộc đụng độ với cảnh sát tại Ankara ngày 13/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin hơn 10 người, đại diện cho nhóm "Taksim Solidarity", tổ chức nòng cốt đứng sau làn sóng biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ phá bỏ công viên Gezi, đã tới dinh thự của Thủ tướng Erdogan ở thủ đô Ankara để tham dự cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi làn sóng biểu tình lan rộng trên toàn quốc hai tuần trước.
Theo hãng tin Reuters, phát biểu sáng 14/6 sau khi kết thúc cuộc gặp kéo dài vài giờ, đại diện nhóm "Taksim Solidarity" cho biết Thủ tướng Erdogan đã cam kết sẽ không thúc đẩy kế hoạch trên cho tới khi có phán quyết của tòa án về vấn đề này. Trong trường hợp tòa án ủng hộ kế hoạch của Chính phủ, ông Erdogan cũng khẳng định Chính phủ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này, và sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân. Theo đại diện người biểu tình, đây được xem là dấu hiệu tích cực sau các cuộc biểu tình phản đối.
Trong khi đó, người phát ngôn của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền Huseyin Celik, cũng tham dự cuộc gặp trên, khẳng định chính phủ sẽ chưa động tới công viên công viên Gezi cho tới khi có thể tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc qui hoạch công viên này. Ông Celik cũng nhắc lại lập trường của Thủ tướng Erdogan, rằng những người biểu tình phải rời khỏi khu vực quảng trường Taksim.
Hiện chưa rõ hành động tiếp theo của lực lượng biểu tình sẽ là gì, bởi trong tuyên bố đưa ra trước cuộc gặp, nhóm "Taksim Solidarity" vẫn bác bỏ đề xuất của chính phủ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch gây tranh cãi trên, đồng thời khẳng định sẽ bám trụ tại công viên Gezi cùng với tất cả yêu cầu của mình. Những đại diện này cho rằng quyền được sống trong môi trường lành mạnh, có lợi cho sức khỏe của tất cả cộng đồng không thể bị đưa ra bỏ phiếu. Trưởng phòng kiến trúc thành phố, ông Eyup Muhcu nhấn mạnh quan điểm của nhóm "Taksim Solidarity" rằng công viên Gezi sẽ mãi là khu sinh thái giữa thành phố.
Trước đó, Thủ tướng Erdogan cũng có cuộc gặp với một số đại diện của các nhóm biểu tình, song đại diện của nhóm nòng cốt "Taksim Solidarity" không có mặt. Tại cuộc gặp này, ông Erdogan đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với những người biểu tình, đang đặt ra thách thức lớn nhất đối với sự cầm quyền kéo dài cả thập kỷ qua của AKP, cảnh báo những lực lượng chống đối phải rời khỏi khu vực công viên, khẳng định Gezi không thuộc về các lực lượng chiếm đóng mà nó thuộc về tất cả mọi người. Phát biểu tại một cuộc họp của đảng AKP cầm quyền, ông Erdogan cáo buộc các lực lượng nước ngoài, truyền thông quốc tế và một số tác nhân thị trường là những yếu tố kích động bạo loạn và phá hoại kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện ông Erdogan đang phải đối mặt với sự chỉ trích của Mỹ và các đồng minh phương Tây khác về cách xử lý cuộc khủng hoảng, đang làm xấu đi hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được xem là hình mẫu dân chủ trong thế giới Hồi giáo.
Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ bùng phát từ ngày 31/5, sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán một cuộc biểu tình đòi chính quyền hủy bỏ kế hoạch phá công viên Gezi để xây trung tâm thương mại. Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đến nay đã khiến 4 người thiệt mạng và khoảng 5.000 người bị thương, trong đó có gần 600 cảnh sát.
TTXVN/Tin tức