Thủ tướng Putin sẽ trở lại điện Kremlin

Ngày 4/3, gần 109 triệu cử tri Nga sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới nhiệm kỳ 6 năm (hiện tại nhiệm kỳ tổng thống là 4 năm) với đánh giá chung của dư luận là ứng cử viên kiêm đương kim Thủ tướng Vladimir Putin sẽ giành thắng lợi ngay trong vòng một và trở lại Điện Kremlin sau 4 năm vắng bóng.

Không có đối thủ ngang tầm

Dư luận Nga và quốc tế đều có chung nhận xét rằng, trên chính trường Nga hiện tại không có chính khách đối trọng ngang tầm với ông Putin. Ra tranh cử lần này với đương kim Thủ tướng Nga còn có 4 ứng cử viên đối lập gồm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) Ghennady Ziuganov, Chủ tịch Đảng Tự do- Dân chủ Nga (LDPR) Vladimir Girinovsky, tỷ phú Mikhail Prokhorov và thủ lĩnh Đảng "Nước Nga Công bằng" (SR) Sergey Mironov.

Hơn 100.000 người ủng hộ ứng cử viên Putin tụ tập trên SVĐ Luzhniki ở Mátxcơva vào trưa 23/2/2012.

Nếu xét về "thâm niên" tranh cử tổng thống Nga thì ông Girinovsky thuộc diện "lão làng" nhất với 6 lần tranh tài liên tiếp, sau đó là ông Ziuganov - 5 lần, còn Thủ tướng Putin và ông Mironov đều có 3 lần, riêng tỷ phú Prokhorov tự ra tranh cử lần đầu tiên. Tuy vậy, dư luận đánh giá chỉ có ông Putin đã đưa ra một cương lĩnh tranh cử cụ thể, bao quát và "có tầm nhìn xa, trông rộng" nhất.

Trong 7 bài báo đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga thời gian qua, ứng cử viên Putin đã nêu ra những vấn đề bức xúc nhất hiện nay đối với cử tri Nga và tương lai phát triển của nước Nga, thể hiện qua 4 vấn đề lớn gồm: Những phương hướng phát triển kinh tế-xã hội của LB Nga; Cải cách hệ thống chính trị và phát huy dân chủ ở Nga; Bảo đảm an ninh quốc gia và phát triển quốc phòng; Chính sách đối ngoại của Nga trong thế giới đang đổi thay. Ông Putin đã trả lời cụ thể những vấn đề là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Nga, gồm xóa bỏ nghèo khó và sự bất công trong xã hội, khuyến khích sinh đẻ để bảo đảm tăng dân số, phát triển tầng lớp trung lưu thông qua ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng, áp dụng đánh thuế người giàu và người có thu nhập "khủng" để lấy nguồn thu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện các chương trình xã hội, tinh giản thủ tục đăng ký các chính đảng và mời đại diện các chính đảng đối lập tham gia các cơ cấu lập pháp và hành pháp, tiến hành cải cách và hiện đại hóa quân đội nhằm bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia và sự cân bằng chiến lược trên thế giới…

Là chính khách "lời nói đi đôi với việc làm", ông Putin đã có 8 năm thành công trên cương vị nguyên thủ quốc gia lãnh đạo việc thực hiện chủ trương bình ổn và chấn hưng nước Nga, đã có 4 năm lãnh đạo chính phủ Nga vượt qua những ảnh hưởng to lớn của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu để phục hồi và phát triển. Ứng cử viên Putin ra tranh cử lần này với cương lĩnh "Một nước Nga hùng mạnh cần có một thủ lĩnh xứng đáng". Trong khi đó, 4 ứng cử viên còn lại đều mới chỉ có những tuyên bố khá to tát. Với khẩu hiệu tranh cử "Cải cách hệ thống chính trị và đổi mới nước Nga", ứng cử viên Ziuganov cam kết xây dựng LB Nga thành một nước XHCN kiểu mới. Ứng cử viên Girinovsky nêu khẩu hiệu tranh cử "Tổng thống Girinovsky hoặc mọi cái sẽ xấu hơn" với lời hứa hẹn một tương lai tương sáng và hạnh phúc cho dân chúng, một nước Nga hùng mạnh hơn Mỹ trong tương lai không xa. Ứng cử viên Mironov không nêu khẩu hiệu cụ thể, mà đòi "cuộc bầu cử trung thực để thiết lập sự công bằng" trong xã hội Nga. Tỷ phú Prokhorov thì lấy phương châm tranh cử là "Prokhorov - Tổng thống mới, Nước Nga Mới" với cam kết mang lại công bằng và phồn vinh cho nhân dân và đất nước. Thậm chí, ông Prokhorov cam kết nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ dành phần lớn tài sản trị giá 18 tỷ USD của mình để làm từ thiện.

Cầm chắc chiến thắng ngay vòng đầu

Các cuộc thăm dò dư luận từ đầu năm tới nay do ba cơ quan hàng đầu ở Nga tiến hành (gồm Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn liên bang (VSIOM), Quỹ Dư luận xã hội (FOM) và Trung tâm Levada đều xác nhận, khả năng ứng cử viên Putin đắc cử ngay trong vòng một bỏ phiếu là hiện thực, với 53% - 60% ý kiến ủng hộ. Trung tâm Levađa ngày 24/2 thậm chí còn quả quyết 63% - 66% số cử tri Nga khẳng định sẽ bỏ phiếu ủng hộ ông Putin. Còn theo VSIOM, có tới 67% số ý kiến tin vào thắng lợi của ông Putin ngay trong vòng một, trong khi chỉ có 20% ý kiến không loại trừ khả năng phải bỏ phiếu vòng hai. Tỷ lệ ủng hộ của cử tri Nga dành cho 4 ứng cử viên còn lại là: Ông Ziuganov: 14% - 16%, ông Girinovsky: 9% - 10%, ông Prokhorov: 6% - 8% và ông Mironov: 5% - 7%. Gần 62% số người tham gia thăm dò khẳng định sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 4/3 tới.

Đoàn tuần hành dọc Phố bờ sông Frunze tại Mátxcơva trong ngày 23/2 nhằm ủng hộ ứng cử viên Putin.


Ứng cử viên Putin hiện được Đảng "Nước Nga Thống nhất" (UR) cầm quyền, Mặt trận Nhân dân toàn Nga, Liên hiệp các công đoàn độc lập Nga, các phong trào thanh niên "Nước Nga Trẻ", "Đội cận vệ Trẻ", "Những người của chúng ta", Hội cựu chiến binh và Hội hưu trí Nga… ủng hộ. Ngoài ra, dư luận đánh giá ông Putin sẽ giành số phiếu cao tại các thành phố hạng trung và hạng nhỏ cũng như những khu vực "sâu-xa" của nước Nga. Đồng thời, Đại hội ngày 24/2 của Đảng "Sự nghiệp cánh hữu" (PD, phe ủng hộ Chủ tịch Dunajev) và Đại hội ngày 27/2 của Đảng "Những người yêu nước Nga" (PR) đã thông qua nghị quyết kêu gọi cử tri PD và PR ủng hộ ứng cử viên Putin.

Trong khi đó, ứng cử viên Ziuganov trông đợi lá phiếu của những cử tri cao tuổi, có thu nhập thấp, những người nhận thức rõ tính ưu việt của chế độ XHCN và ủng hộ chủ trương của KPRF nhằm xây dựng một CNXH kiểu mới tại Nga. Ứng cử viên Girinovsky mong chờ lá phiếu ủng hộ của giới hoạt động văn học-nghệ thuật giàu có cũng như những người ủng hộ chủ trương xây dựng một cường quốc Nga mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa và tư tưởng đại Nga mà LDPR lấy làm "kim chỉ nam" trong hoạt động của chính đảng này. Ứng cử viên Prokhorov hy vọng nhiều vào các lá phiếu ủng hộ của tầng lớp "người Nga Mới", tức là các doanh nghiệp trẻ phất lên thời Tổng thống Boris Yeltsin, và tầng lớp thanh niên đang tìm mọi cách để làm giàu ở Nga. Riêng ứng cử viên Mironov thì tin rằng các cử tri ủng hộ ông là những người có thu nhập "khiêm tốn" và muốn xây dựng một cường quốc Nga công bằng, dân chủ và văn minh.

Không có "Cách mạng sắc màu" sau bầu cử

Để loại bỏ tình trạng vi phạm hoặc gian lận bầu cử như phe đối lập tố cáo nhằm huy động dân chúng xuống đường phản đối như sau cuộc bầu cử Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VI vào ngày 4/12/2011, chính quyền Nga đã áp dụng sáng kiến của Thủ tướng Putin về việc lắp đặt các camera tại tất cả 94.315 điểm bỏ phiếu trong nước và sử dụng hòm phiếu trong suốt. Đồng thời, hơn 400.000 đại diện của toàn bộ 7 chính đảng đã được mời tham gia và chiếm gần 1/2 số thành viên các uỷ ban bầu cử địa phương gồm 830.522 người. Cụ thể, số đại diện của 7 chính đảng tham gia các ủy ban bầu cử địa phương như sau: UR - 92.851 người, KPRF - 80.860 người, SR - 71.446 người, LDPR - 68.533 người, Đảng "Những người yêu nước Nga" (PR) - 16.447 người, Đảng "Sự nghiệp cánh hữu" - 10.194 người và Yabloko - 8.403 người. Ngoài ra, các chính đảng có ứng cử viên ra tranh cử đều thành lập nhóm quan sát viên độc lập của mình để giám sát 24/24 giờ quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu trong toàn liên bang. Chẳng hạn, KPRF đã thành lập nhóm quan sát viên gồm 300.000 người và như ứng cử viên Ziuganov tuyên bố, tại mỗi điểm bỏ phiếu KPRF đều có 5 quan sát viên độc lập của mình. Thêm vào đó, các phong trào và tổ chức như "Vì cuộc bầu cử trung thực", "Hội luật gia trẻ"... cũng đã thành lập các nhóm quan sát viên độc lập gồm hàng chục nghìn người để giám sát cuộc bầu cử. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Liên minh châu Âu (EU), Nghị viện châu Âu (EP)... cũng đã cử hàng trăm quan sát viên tới theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Nga.

Chính quyền Nga cam kết làm hết sức mình để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống tự do, trung thực và dân chủ, đồng thời quyết tâm ngăn chặn mọi cuộc "Cách mạng sắc màu" có thể xảy ra trước và sau ngày bỏ phiếu 4/3. Sau cuộc bầu cử Đuma Quốc gia Nga ngày 4/12 năm ngoái, phe đối lập Nga đã xuống đường rầm rộ để biểu tình phản đối từ ngày 10 - 24/12/2011 và thời gian gần đây với số người tham gia lên tới 15.000 - 35.000 người mỗi cuộc. Tuy nhiên, làn sóng người Nga xuống đường ủng hộ chính quyền và ứng cử viên Putin đã rộng lớn và đông đảo hơn gấp bội, bao trùm từ khu vực Viễn Đông đến cố đô Saint Petersburg, với hàng chục tỉnh, thành, khu vực và số người tham dự lên tới 130.000 - 200.000 người. Đáp lại "kế hoạch" đăng ký biểu tình của phe đối lập trong các ngày 4, 5, 6, 9 và 10/3, tức là vào ngày bỏ phiếu và thời gian ngay sau đó, Ban tổ chức mít tinh chung của các tổ chức và phong trào ủng hộ chính quyền Nga đã nhanh chân đăng ký cũng "xuống đường" đúng vào những ngày trên và chọn địa điểm hoạt động là các quảng trường chủ yếu tại thủ đô gồm Quảng trường Quần ngựa, Quảng trường Nhà hát, Quảng trường Puskin, Quảng trường Bolotno, Quảng trường Lubyanka hay Đồi Tưởng niệm. Không ngẫu nhiên dư luận phương Tây đánh giá chính quyền Nga hiện đang kiểm soát chặt chẽ "mọi hoạt động đường phố" khiến mọi ý đồ định sử dụng làn sóng xuống đường phản đối để gây "Cách mạng sắc màu", đều bị chặn đứng và thất bại.

Bài và ảnh:Đình Lanh(P/v TTXVN tại Nga)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN