Thời kỳ mới trong hợp tác SCO

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 18 bế mạc tối 10/6, với việc thông qua Tuyên bố chung Thanh Đảo, đề cập hầu hết các chủ đề “nóng” hiện nay, từ tình hình bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran, xung đột tại Trung Đông tới an ninh khu vực và chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Nội hàm bao trùm của Tuyên bố chung Thanh Đảo nhấn mạnh tới trách nhiệm của các nước thành viên SCO nói riêng cũng như cộng đồng quốc tế nói chung trong việc tìm kiếm lập trường và cách tiếp cận chung nhằm đối phó hiệu quả với những thách thức mang tính toàn cầu hiện nay, trong bối cảnh tình hình địa-chính trị thế giới biến động khó lường với sự xuất hiện ngày càng nhiều những yếu tố gây bất ổn.

Các Bộ trưởng Quốc phòng SCO chụp ảnh chung tại hội nghị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 24/4. Ảnh: THX/TTXVN

Sự “đồng tâm nhất trí” được lãnh đạo 8 nước thành viên SCO thể hiện trong tuyên bố chung, là minh chứng rõ rệt cho thấy SCO đã và đang trở thành một tổ chức liên khu vực có tính kết nối cao và hoạt động hiệu quả, đồng thời đây cũng là nền tảng vững chắc để SCO thúc đẩy lòng tin chiến lược, hướng tới thời kỳ hợp tác mới vì an ninh và thịnh vượng chung.

Là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của SCO sau khi kết nạp thêm 2 thành viên Ấn Độ và Pakistan hồi tháng 6/2017, sự kiện ở  thành phố cảng Thanh Đảo được chú ý đặc biệt. Một mặt, hội nghị được xem là diễn đàn để SCO khẳng định vai trò là một tổ chức liên lục địa có tầm ảnh hưởng và quyền lực to lớn sau khi mở rộng thành viên.

Từ chỗ chỉ là một diễn đàn hợp tác an ninh nhằm giải quyết những vấn đề biên giới, chống tội phạm ma túy, khủng bố giữa 6 nước gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, trải qua 17 năm hình thành và phát triển, đến nay, SCO đã trở thành tổ chức hợp tác liên khu vực lớn nhất không chỉ về quy mô địa lý (chiếm hơn 60% diện tích đất đai khu vực Á-Âu) và dân số (hơn một nửa dân số thế giới), mà quy mô kinh tế cũng vượt trội với GDP chiếm hơn 25% tổng GDP toàn cầu.

Với 8 nước thành viên, cùng 4 nước quan sát viên và 6 nước đối tác đối thoại, là một tổ chức toàn diện, bao quát nhiều vấn đề quan trọng từ chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại đến các vấn đề quốc tế, từng bước trở thành một nhân tố ngày càng có sức nặng không chỉ ở khu vực Á-Âu mà còn vươn tầm ra quốc tế.

Mặt khác, hội nghị lần này cũng được xem là “phép thử đầu tiên” của SCO trong quá trình phát triển, bởi trên thực tế, giữa một số nước thành viên tổ chức từ lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất đồng dai dẳng khó giải quyết, như vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ  giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hay sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Trung Quốc tại khu vực Trung Á.  Dung hòa lợi ích giữa các nước thành viên để có thể tạm gác bất đồng, tìm được tiếng nói chung trong SCO, quả không phải chuyện dễ.

Trong bối cảnh đó, kết quả hội nghị thượng đỉnh lần thứ 18 lần này phần nào cho thấy với việc kết nạp thêm 2 thành viên, SCO không chỉ đạt bước tiến về lượng mà thực sự đã có biến chuyển về chất, qua đó làm sâu sắc và nâng tầm hợp tác cả về an ninh-quốc phòng lẫn kinh tế-chính trị. Một lần nữa, Hiệp ước về quan hệ láng giềng tốt đẹp lâu dài, hữu nghị và hợp tác lại trở thành cơ sở để các nước SCO xây dựng sự đoàn kết và tin cậy nhằm cùng nhau đối phó với những thách thức chung, trước hết là chủ nghĩa khủng bố, ly khai và cực đoan, vốn là mối đe dọa thường trực với mọi thành viên SCO.

Việc mở rộng thêm 2 thành viên là Ấn Độ và Pakistan cũng đồng nghĩa với việc tổ chức này vừa có thêm không gian hợp tác an ninh, vừa đối mặt với nguy cơ lớn hơn từ khủng bố cực đoan, buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Bởi vậy, tại hội nghị Thanh Đảo, các nước đều tái khẳng định quan điểm an ninh là nền tảng cho sự phát triển bền vững của SCO và củng cố hàng loạt khuôn khổ hợp tác để củng cố an ninh chung và ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại leo thang, với nhiều tranh cãi thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang đẩy thế giới đến bên “bờ vực” của một cuộc chiến tranh thương mại, SCO cũng thể hiện tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ nền thương mại rộng mở, củng cố và phát triển cơ chế thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm nòng cốt.

Quan điểm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại hội nghị, trong đó cho rằng “thế giới phẳng” khiến cho lợi ích các quốc gia ngày càng đan xen, bởi vậy “cùng chung vận mệnh, hợp tác cùng thắng sẽ là xu thế lớn và tất yếu”, được các nước SCO chia sẻ.

Trên thực tế, tiềm năng mở rộng hợp tác kinh tế trong SCO vẫn còn rất lớn. Báo cáo của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho thấy GDP của SCO sẽ tăng tới 98,8 tỷ USD nếu các nước thành viên miễn thuế nhập khẩu, và kim ngạch xuất khẩu trong khối sẽ tăng 20 tỷ USD còn kim ngạch nhập khẩu tăng 19,8 tỷ USD nếu các nước thành viên cắt giảm 25% thủ tục hải quan, đặc biệt là các nước Trung Á và Pakistan. Điều này mang lại lợi ích đáng kể cho người dân các nước thành viên.

Hội nghị SCO lần này còn đề cập đến nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có cam kết ủng hộ tiến trình ngoại giao cho các cuộc xung đột ở Afghanistan, Syria, Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran. Lập trường mang tính xây dựng của SCO trong các vấn đề quốc tế thể hiện vị thế và uy tín của tổ chức này, cũng như đóng góp của tổ chức đối với hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Có thể khẳng định rằng sự đồng thuận, chia sẻ và hợp tác hiệu quả giữa các nước thành viên trong nhiều lĩnh vựcchính là yếu tố góp phần tạo “tiếng vang” cho SCO. Với kết quả tích cực đạt được tại hội nghị thượng đỉnh SCO lần này cùng những sáng kiến đang phát huy hiệu quả, SCO tiếp tục khẳng định là một hình mẫu cho mối quan hệ quốc tế kiểu mới dựa trên nguyên tắc tin cậy, cùng có lợi, bình đẳng, hiệp thương, tôn trọng văn minh đa dạng và theo đuổi phát triển chung.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi kết thúc Hội nghị thường đỉnh SCO, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lim Jock Hoi tuyên bố ASEAN cần mở rộng quan hệ đối tác với SCO, vốn được thiết lập từ năm 2005, để hai bên có thể thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong một khu vực kết nối các nước cùng chia sẻ truyền thống và giá trị tinh thần chung, để cùng hướng tới phát triển, an ninh và thịnh vượng vì lợi ích của người dân.

Ngọc Hà (TTXVN)
Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi xây dựng một cộng đồng SCO đoàn kết
Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi xây dựng một cộng đồng SCO đoàn kết

Ngày 10/6, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), được tổ chức tại thành phố cảng Thanh Đảo của Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước thành viên "cùng nhau xây dựng một cộng đồng SCO cùng chung tương lai".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN