Thỏa thuận chia sẻ người tị nạn - 'Thành công lịch sử' đối với châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/6 đã đạt được thỏa thuận cho phép các quốc gia thành viên hoặc chấp nhận chia sẻ số người xin tị nạn hoặc đóng góp cho một quỹ chung do Brussels quản lý để chăm sóc người di cư.

Chú thích ảnh
Tàu của Lực lượng phòng vệ bờ biển Anh áp giải người di cư đang cố gắng vượt qua eo biển Manche về tới Marina ở cảng Dover, phía Đông Nam vùng England. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Thụy Điển, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết thỏa thuận này là một “sự cân bằng tốt” về trách nhiệm đối với những người xin tị nạn và thể hiện sự đoàn kết trong EU. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser gọi thỏa thuận này là một “thành công lịch sử” đối với “lục địa già”.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Maria Stenergard, người chủ trì các cuộc đàm phán, cho biết nếu người nộp đơn không có cơ hội được tị nạn ở EU, sẽ bị trả về ngay lập tức và tất cả các đơn xin tị nạn đều được xử lý  tối đa trong vòng 6 tháng. Theo bà Stenergard, các quốc gia không sẵn sàng chấp nhận những người xin tị nạn sẽ phải đóng một khoản hỗ trợ tài chính lên tới 20.000 euro/người vào một quỹ do Brussels quản lý để hỗ trợ những người di cư tìm kiếm sự bảo vệ.

Tuy nhiên, theo Ủy viên EU về các vấn đề nội vụ, bà Ylva Johansson, vấn đề người xin tị nạn bị từ chối sẽ được gửi trả về đâu vẫn là vướng mắc lớn nhất trong các cuộc đàm phán. Bà Johansson cho biết hiện vẫn chưa có quyết định cụ thể và vấn đề này cần phải được xem xét lại một lần nữa. Bộ trưởng Nội vụ Đức khẳng định: “Chúng ta chỉ có thể giải quyết vấn đề di cư cùng với toàn bộ EU".
Trong khi cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ EU đang diễn ra tại Luxembourg, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã có cuộc hội đàm về cải cách vấn đề người di cư tại Rome với người đồng cấp Giorgia Meloni của Italy. Người đứng đầu Chính phủ Italy "tin chắc" rằng khối sẽ đạt được thỏa thuận về chính sách di cư.

Trước đó, ngày 6/8, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Kế hoạch hành động của EU nhằm quản lý các tuyến đường Tây Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, nơi người di cư bất hợp pháp coi là lộ trình vượt biên “thuận lợi nhất” với họ. Đây là kế hoạch có tầm quan trọng đặc biệt đối với những quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng nhập cư quy mô lớn, không thể kiểm soát.

Ông Jorge Buxadé, trưởng phái đoàn đảng Tiếng nói (VOX) tại Nghị viện châu Âu, đã chỉ ra rằng làn sóng người nhập cư gia tăng tác động tiêu cực đến các nước láng giềng châu Âu và tình trạng bất ổn về an ninh ngày càng gia tăng.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhấn mạnh, là một trong những quốc gia cửa ngõ vào châu Âu, Italy đã không ngừng nỗ lực chống nhập cư bất hợp pháp và tăng cường bảo vệ biên giới.

Tuy nhiên, số người di cư vượt biên qua tuyến Địa Trung Hải vào châu Âu không ngừng gia tăng trong những ngày qua. Chỉ trong hai ngày 5 và 6/6, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã giải cứu gần 1.500 người di cư trên những chiếc thuyền gặp nạn ở biển Ionian.

Theo báo cáo mới nhất, các vụ bắt giữ người di cư dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải, đã tăng vọt lên gần 42.200 vụ chỉ từ tháng 1 đến tháng 4/2023, tăng 28%. Trong khi một số lộ trình khác, số vụ bắt giữ giảm từ 7% đến 47%. Tính từ đầu năm nay, tuyến đường Trung Địa Trung Hải chiếm hơn một nửa số lượt nhập cảnh bất hợp pháp vào EU.

Ngoài ra, các vụ vượt biên trái phép qua tuyến đường này trong 4 tháng đầu năm 2023 đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, đánh dấu mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2009.

Lượng người di cư được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi thời tiết khu vực Địa Trung Hải trở nên ấm áp hơn trong giai đoạn chuyển giao từ Xuân sang Hè. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thời tiết thuận lợi không phải là lý do duy nhất cho sự gia tăng lượng người di cư vào Italy. Khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, bạo lực và xung đột gia tăng... là những nguyên nhân chính khiến nhiều người dân ở các nước như Libya, Tunisia, Bờ Biển Ngà,... quyết định rời bỏ quê hương đi tìm miền đất mới.

Phương Hoa (PV TTXVN tại Berlin)
EU đạt thỏa thuận về phân bổ số người xin tị nạn
EU đạt thỏa thuận về phân bổ số người xin tị nạn

Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/6 đã đạt được thỏa thuận cho phép các quốc gia thành viên chia sẻ việc tiếp nhận số người xin tị nạn hoặc đóng góp cho một quỹ chung do EU quản lý để chăm sóc người di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN