Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: dw.com |
Diễn biến mới làm gia căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức diễn ra sau khi lãnh đạo tình báo Đức cuối tuần trước tuyên bố ông không bị thuyết phục rằng giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện sống ở Mỹ, đứng sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các bình luận từ lãnh đạo Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND) Bruno Kahl, đăng tải trên tạp chí Der Spiegel hôm 18/3, cho thấy "thái độ dung túng và bảo vệ" đối với cái mà Ankara gọi là "Tổ chức Khủng bố Gulen".
Bộ này cho biết đã triệu tập đại biện lâm thời Đức, quan chức phụ trách cấp cao nhất khi Đại sứ vắng mặt. Cũng theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, hiện có hàng trăm thành viên "Tổ chức Khủng bố Gulen" đang hoạt động ở Đức.
Trước đó, ông Bruno Kahl tuyên bố Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể thuyết phục được cơ quan tình báo đối ngoại Đức rằng giáo sĩ Fethullah Gulen đứng sau vụ đảo chính năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh: "Ankara đã cố gắng thuyết phục chúng tôi ở mọi cấp độ nhưng đến giờ họ vẫn chưa thành công".
Hiện chính quyền Mỹ cũng không thực hiện việc dẫn độ Giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ với lý do những bằng chứng mà chính quyền Ankara đưa ra để chứng minh ông Gulen là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái, chưa đủ thuyết phục.