Theo trang EarthSky, vụ nổ lớn do thiên thạch mang tên 2019 MO đâm xuống phía Nam hòn đảo được phát hiện vào khoảng 5h25 chiều 22/6 giờ địa phương. Mặc dù cú va chạm có sức công phá lớn nhưng không gây ra bất kỳ thương vong hay thiệt hại nào. (Xem video vụ nổ thiên thạch quan sát từ không gian. Nguồn: RT)
Bên cạnh cú nổ tựa như pháo hoa, sự thật kinh ngạc khác về 2019 MO chính là việc nó đã được quan sát qua kính thiên văn trước khi đâm xuống Trái đất.
Viết trên trang mạng xã hội Twitter, nhà thiên văn học Peter Brown cho hay một trạm âm thanh tần số dưới 20 Hz ở Bermuda đã bắt được sóng âm thanh của khối đá vũ trụ khi nó bay vào bầu khí quyển hành tinh của chúng ta.
Nó cũng tình cờ được phát hiện bởi Hệ thống cảnh báo cuối cùng về tác động của tiểu hành tinh tại Hawaii. Theo nhà thiên văn học nghiệp dư người Italy Ernesto Guido, cho đến nay các chuyên gia mới chỉ phát hiện được thiên thạch bằng kính thiên văn trước khi nó đâm vào Trái đất được bốn lần.
Ba lần trước đây đều xảy ra trong vòng 12 năm trở lại đây, trong đó có vụ tiểu hành tinh 2018 LA lao xuống châu Phi năm ngoái.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết những vụ tấn công Trái đất bởi các thiên thạch có kích thước bằng 2019 MO hoặc lớn hơn thường xảy ra 1 – 2 lần mỗi năm.