'Thế khó' của các nước Arab vùng Vịnh

Tranh cãi gay gắt giữa các nước Arab vùng Vịnh xung quanh kết quả các hội nghị thượng đỉnh khu vực vừa diễn ra tại thành phố Mecca, Saudi Arabia đang ngày càng nóng lên, một lần nữa cho thấy sự chia rẽ và những rạn nứt khó khỏa lấp giữa các nước.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab tại Mecca, Saudi Arabia, ngày 30/5/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Việc Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 3/6 đồng loạt chỉ trích Qatar càng khiến tình trạng “nội bộ lục đục” giữa các nước thêm trầm trọng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao được coi là tồi tệ nhất trong hàng thập niên qua tại vùng Vịnh, dẫn tới nhiều nước Arab khu vực cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt trừng phạt chống Doha, đã kéo dài 2 năm mà vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Saudi Arabia và UAE đã chỉ trích Qatar làm chệch hướng các cuộc đàm phán ở Mecca ngay sau khi  Doha tuyên bố không chấp thuận kết quả tại các hội nghị thượng đỉnh khu vực vừa diễn ra tại thành phố Mecca vì cho rằng kết quả này đã không được tham vấn phù hợp. Ngoại trưởng Qatar  Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tuyên bố kết quả các hội nghị này, trong đó có hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp Liên đoàn Arab (AL) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đã "được chuẩn bị trước" và Qatar không hề được tham vấn về điều đó.

Bên cạnh đó, Qatar bác bỏ các văn kiện được thông qua tại các hội nghị này khi một số điều khoản đi ngược lại chính sách đối ngoại của Doha, trong đó chỉ trích gay gắt Iran mà bỏ qua một số vấn đề quan trọng trong khu vực như Palestine, cuộc chiến tại Libya và Yemen. 

Những gì đang diễn ra không khỏi gợi nhớ cuộc khủng hoảng bùng phát 2 năm trước, khi Saudi Arabia và UAE cũng bày tỏ phản đối việc Qatar chỉ trích các phát ngôn của GCC chống lại Iran, cũng như phát biểu của Tổng thống Donald Trump khi đó đang có chuyến thăm chính thức Trung Đông và vùng Vịnh.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bắt đầu ngày 5/6/2017 với việc Saudi Arabia, UAE và Bahrain cùng Ai Cập đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và vận tải với Qatar, cáo buộc Doha "hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực", điều mà Qatar luôn bác bỏ. Thậm chí, liên minh do Saudi Arabia đứng đầu sau đó còn ra "tối hậu thư" với bản yêu sách gồm 13 điểm buộc Qatar thực hiện, trong đó có việc yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ quốc gia vùng Vịnh này và hạ cấp quan hệ với Iran. 

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài 2 năm nay được coi là "giọt nước tràn ly" sau những mâu thuẫn âm ỉ suốt thời gian dài ở vùng Vịnh, song trên hết, nó là cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn tại Trung Đông, giữa một bên là dòng Hồi giáo Shi'ite do Iran đứng đầu và bên kia là các nước Sunni do Saudi Arabia dẫn dắt với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây.

Việc Qatar phải chịu sự cô lập về ngoại giao và kinh tế của liên minh do Saudi Arabia đứng đầu được cho là "kết quả không mong muốn" của chính sách mở rộng quan hệ với Iran mà chính quyền Doha theo đuổi, như ký hiệp định hợp tác quân sự với Tehran vào tháng 10/2015. Với các hội nghị vừa diễn ra ở Mecca, rạn nứt giữa các nước vùng Vịnh trong các vấn đề khu vực, nhất là chủ đề liên quan tới Iran, càng bị khoét sâu thêm.

Tại các hội nghị ở Mecca cuối tuần qua, vấn đề liên quan tới Iran là nội dung trọng tâm trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang không ngừng leo thang, các mối đe dọa về an ninh đối với khu vực đang nổi lên. Đáng chú ý, các hội nghị AL, GCC và các nước Hồi giáo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đều diễn ra tại thành phố Mecca của Saudi Arabia theo lời đề nghị của Quốc vương nước chủ nhà Salman bin Abdulahziz Al Saud.

Động thái này của Riyadh được cho là nhằm quy tụ và tập hợp được nhiều sự ủng hộ đối với Saudi Arabia trong việc đối phó với Iran – một đối thủ nhiều duyên nợ và ân oán” của Saudi Arabia ở khu vực. Saudi Arabia không giấu diếm ý định lôi kéo thêm đồng minh khu vực trong cuộc đối đầu với "đối thủ truyền kiếp" Iran. Những nguy cơ an ninh gần đây ở vùng Vịnh do căng thẳng giữa Mỹ và Iran, có thể được Saudi Arabia tận dụng như "chất xúc tác" kích động thêm tâm lý "chống Iran" trong khu vực 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc lãnh đạo Saudi Arabia muốn thông qua các hội nghị ở Mecca gửi đi những thông điệp cứng rắn tới Iran đã ngay lập tức gây xáo trộn trong khu vực và đặt nhiều nước vào tình thế khó khăn. Mặc dù tuyên bố của hội nghị chỉ trích những hành động của Iran ở vùng Vịnh, cho rằng những việc làm của Tehran "đang gây bất ổn ở khu vực", song nhiều nước Arab đều có lập trường muốn giải quyết các bất đồng với Iran thông qua đối thoại, nhằm tránh để xảy ra một cuộc chiến mới ở khu vực vốn dĩ luôn “dư thừa” bất ổn này.

Iraq đã lên tiếng cảnh báo cuộc khủng hoảng khu vực cùng với những căng thẳng liên quan có thể dẫn tới một cuộc chiến thực sự. Tổng thống Iraq Barham Salih bày tỏ lập trường phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, đồng thời đề nghị làm trung gian hòa giải nhằm làm giảm căng thẳng hiện nay giữa hai nước vốn đều đồng minh chủ chốt của Baghdad.

Đáng chú ý, Iraq đã lên tiếng phản đối tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh các nước Arab, trong đó chỉ trích Iran "can thiệp" vào vấn đề của các nước khác. Tương tự, Syria cũng lên tiếng phản đối tuyên bố cuối cùng được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp các nước Arab ở Mecca. 

Về phần mình, Iran đã chính thức bác bỏ những cáo buộc được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp AL ở thành phố Mecca, mà Tehran cho là "vô căn cứ" đồng thời cho rằng Saudi Arabia đã tham gia vào nỗ lực "vô vọng" cùng Mỹ và Israel nhằm lôi kéo dư luận khu vực chống lại Tehran. Dù vậy, Iran cũng không quên phát đi tín hiệu sẵn sàng đối thoại với các nước Arab. 

Với tuyên bố của Qatar bác bỏ kết quả các hội nghị, có thể thấy chủ đề Iran sẽ còn gây mâu thuẫn giữa các nước vùng Vịnh, nhất là khi nó phản ánh tính chất quyết liệt của cuộc cạnh tranh sức mạnh và tầm ảnh hưởng giữa các thế lực khác nhau cả trong và ngoài khu vực, cũng như chi phối tương quan mối quan hệ giữa các nước khu vực với nhau, hay giữa các nước khu vực với Mỹ. Một trong mục tiêu chính mà các nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo ưu tiên trong các hội nghị ở Mecca vừa qua là “cùng hướng tới tương lai” với mong muốn thu hẹp bất đồng, kiến tạo hòa bình, đảm bảo an ninh và ổn định nhằm thúc đẩy phát triển để “sánh vai” với các khu vực khác trên thế giới.

Tuy nhiên, những bất đồng rõ ràng sau hội nghị, trước hết liên quan tới quan điểm trong vấn đề Iran, cho thấy mục tiêu này còn khá xa vời. Nói cho cùng, các nước Arab vùng Vịnh đang theo đuổi những tham vọng khác nhau trong khu vực và sẽ không có nước nào muốn từ bỏ các lợi ích chiến lược của mình.  Khả năng các nước Arab vùng Vịnh có thể tiến tới một nhận thức chung trong các vấn đề khu vực để xích lại gần nhau trong việc đối phó những thách thức an ninh chung trong tình hình mới, thực sự quá khó khăn.

Trương Tuấn (TTXVN)
Qatar phản đối kết quả các hội nghị thượng đỉnh ở Saudi Arabia​
Qatar phản đối kết quả các hội nghị thượng đỉnh ở Saudi Arabia​

Ngày 2/6, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman tuyên bố Doha không chấp thuận kết quả tại các hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra tại thành phố Mecca (Saudi Arabia) liên quan những căng thẳng khu vực với Iran, cho rằng các kết quả này đã không được tham vấn phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN