Thế giới ghi nhận 71,5 triệu ca mắc, 1,6 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 12/12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 71,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh  COVID-19, trong đó có 1,6 triệu người đã tử vong.

Hơn 49 triệu bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi, trong khi vẫn còn khoảng 20 triệu người đang được điều trị.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc ngày 11/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Mỹ vẫn là nước chịu tác động dịch bệnh nặng nề nhất với 16,2 triệu ca nhiễm và  hơn 302.000 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 9,8 triệu ca nhiễm và 142.000 ca tử vong; Brazil với 6,8 triệu ca nhiễm và  180.000 ca tử vong.

Với 3.031 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới vượt trên 3.000 người/ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức cao kỷ lục, với 621 ca so với kỷ lục cũ là 602 ca ngày 10/12. Tokyo là khu vực chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh trong số 47 tỉnh, thành ở nước này với 46.000 ca nhiễm đến nay. Tại hầu hết các khu vực ở Tokyo, các nhà hàng, quán bar, quán karaoke có phục vụ rượu đã được yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh và đóng cửa vào lúc 22h.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng trên khắp toàn quốc, hệ thống y tế ở nhiều khu vực tại Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Nhằm khống chế dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản vừa đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm AstraZeneca PLC của Anh về việc mua 120 triệu liều vaccine, đủ để tiêm phòng cho 60 triệu người. Vaccine của AstraZeneca được cho là có hiệu quả tới 90%.

Belarus cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, với 1.975 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay Belarus có tổng cộng 158.334 ca nhiễm, trong đó có 1.254 ca tử vong (sau khi có thêm 8 ca tử vong mới). 

Một số  nước khác như Malaysia, Indonesia... tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong gia tăng. Cụ thể, Malaysia xác nhận 1.937 ca nhiễm và 9 ca tử vong mới, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 82.246 ca và 411 ca tử vong; Indonesia ghi nhận 6.388 ca nhiễm và 142 ca tử vong mới, nâng tổng số ca bệnh lên 611.631 ca và 18.653 ca tử vong. 

Trong khi đó, Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch tại hai thành phố ở vùng biên giới giáp với Nga là Đông Ninh (Dongning) và Tuy Phân Hà (Suifenhe) sau khi mỗi thành phố này đều có thêm một ca nhiễm mới liên quan tới các công nhân làm việc ở cảng và khu thương mại.
Về hoạt động phát triển vaccine phòng COVID-19, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế. FDA cho biết vaccine trên có thể sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên; đợt đầu tiên có khoảng 2,9 triệu liều vaccine.

Ngay sau khi FDA công bố quyết định trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ bắt đầu triển khai cho tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech "trong vòng chưa đầy 24 giờ tới". Theo Tổng thống Trump, các thống đốc bang sẽ quyết định các đối tượng được tiêm vaccine đầu tiên ở bang. Ông cho rằng cần ưu tiên "các nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu ứng phó với dịch bệnh" vì điều này sẽ giúp giảm nhanh số ca nhập viện và số ca tử vong. FDA cũng đang xem xét cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 của công ty Moderna. Chính quyền Tổng thống Trump sẽ mua thêm 100 triệu liều vaccine của công ty Moderna. Đây là lô hàng thứ hai mà Mỹ mua của Moderna, và sẽ được giao vào quý II/2021.  Đầu năm nay, Mỹ đã đặt hàng 100 triệu liều, dự kiến 20 triệu liều sẽ được cung cấp vào cuối tháng 12 này sau khi được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Mexico cũng đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên 250.000 liều trong tháng 12 này. Như vậy, Mexico đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phê duyệt vaccine của Pfizer sau Anh, Bahrain và Canada. Mỹ là quốc gia thứ 5 phê duyệt vaccine này. Chính phủ Mexico cho biết kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 này và ưu tiên số 1 là dành cho các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch.

Trong khi đó, Peru đã tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc sản xuất, sau khi một người tình nguyện gặp khó khăn khi cử động tay. Theo nhà nghiên cứu trưởng German Malaga của Viện trên, đây có thể là dấu hiệu của Guillain-Barre, một hội chứng rối loạn hiếm gặp và không lây nhiễm, ảnh hưởng đến cử động tay và chân.

Minh Châu (TTXVN)
Thế giới tuần qua: Các nước triển khai tiêm vaccine COVID-19; EU 'mở khóa' gói ngân sách chung
Thế giới tuần qua: Các nước triển khai tiêm vaccine COVID-19; EU 'mở khóa' gói ngân sách chung

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer đã được một số nước phê duyệt để sử dụng khẩn cấp và Liên minh châu Âu gỡ rối thành công thế bế tắc về gói ngân sách chung là hai sự kiện quốc tế đáng quan tâm trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN