Tại Đông Nam Á, Lào thông báo ghi nhận tổng cộng 27 ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, trong đó có 1 ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng và 26 ca nhập cảnh. Dù số ca mắc mới và tử vong tại Lào đang có chiều hướng giảm nhưng giới chức y tế vẫn kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác và thận trọng tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Tính đến ngày 23/2, Lào ghi nhận tổng cộng 141.694 ca mắc COVID-19, trong đó có 616 ca tử vong.
Bộ Y tế Lào nước này cho biết cần thêm hơn 1 triệu liều vaccine nữa để hoàn thành mục tiêu 93% dân số được tiêm vaccine trong năm 2022. Tính đến ngày 22/2, Lào đã có 4.842.963 người (66% dân số) được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 4.280.530 người đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản.
Thái Lan thông báo tiếp tục nới lỏng những quy định đối với du khách nhập cảnh theo chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm & Lên đường) kể từ đầu tháng tới. Theo đó, Thái Lan quyết định bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 lần thứ 2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh từ ngày 1/3, thay vào đó là xét nghiệm kháng nguyên nhanh (ATK). Thái Lan cũng giảm hạn mức chi trả bảo hiểm y tế đối với du khách nước ngoài từ 50.000 USD xuống còn 20.000 USD. Du khách vẫn phải đăng ký thông qua trang web Thailand Pass, có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính không quá 72 giờ trước khi khởi hành.
Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tăng lên 21.232 ca vào ngày 23/2, mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Hiện số ca tử vong trong ngày là 39 ca, thấp hơn nhiều so với con số 300 ca/ngày trong thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng dịch do biến thể Delta gây ra vào tháng 8/2021. Như vậy, kể từ khi dịch bùng phát tại Thái Lan từ đầu năm 2020 tới nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 2.770.793 ca nhiễm COVID-19 , trong đó có 22.730 ca tử vong.
Vùng thủ đô Manila của Philippines đã nhất trí hạ mức cảnh báo đại dịch COVID-19 ở khu vực này xuống còn mức 1 trong thang gồm 5 mức, bắt đầu từ ngày 1/3 tới trong bối cảnh số ca mắc mới giảm dần. Hiện vùng thủ đô Manila, có trên 13 triệu người dân sinh sống, được đặt trong mức cảnh báo thứ 2 về dịch bệnh từ ngày 1/2 đến ngày 28/2. Philippines đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát năm 2020. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.534 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc lên 3.655.709.
Tại Trung Quốc, đặc khu hành chính Hong Kong ghi nhận kỷ lục 8.674 ca mắc mới COVID-19, trong bối cảnh thành phố đang chuẩn bị tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với người dân, sau khi cơ quan chức năng gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cơ quan y tế Hong Kong thông báo ghi nhận thêm 24 ca tử vong, giảm so với con số 32 ca ghi nhận trước đó 1 ngày.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới tăng lên mức kỷ lục là 171.452 trường hợp. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm vượt mốc 150.000 ca/ngày và tăng gần gấp đôi so với mức 97.475 ca của một ngày trước đó. Hầu hết các trường hợp nhiễm mới được xác nhận đều là lây nhiễm qua tiếp xúc gần với các ca mắc. Tuy nhiên, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhận định số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng vẫn ổn định và không có lý do gì đáng lo ngại dù số lượng ca nhiễm mới tăng mạnh.
Các trường học ở Hàn Quốc đang cân nhắc về việc có để trẻ em trở lại trường học trực tiếp hay không khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là bắt đầu học kỳ mùa Xuân. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh vượt mức 100.000 ca/ngày, Chính phủ Hàn Quốc ngày 21/2 thông báo các trường học sẽ được phép áp dụng phương thức học từ xa hoàn toàn trong 2 tuần đầu tiên của học kỳ bắt đầu từ ngày 2-11/3.
Tại Nhật Bản, dịch có dấu hiệu lắng dịu sau khi ghi nhận con số kỷ lục 104.345 ca mắc mới hôm 3/2. Tuy nhiên, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở nước này vẫn tăng cao kỷ lục. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy Nhật Bản ghi nhận 69.525 ca mắc mới trong ngày 22/2, giảm hơn 14.600 ca so với một tuần trước đó, trong đó riêng Tokyo có 11.443 ca và Osaka có 10.939 ca. Tuy nhiên, số ca tử vong trong ngày tăng cao kỷ lục lên 319 ca. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong vì COVID-19 ở Nhật Bản vượt ngưỡng 300 ca/ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu lắng dịu, Chính phủ Nhật Bản có thể dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở một số địa phương sớm hơn dự kiến.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn được gọi là "Omicron tàng hình" không mạnh hơn phiên bản gốc của Omicron (BA.1). Bà Maria Van Kerkhove, quan chức đứng đầu nhóm phụ trách kỹ thuật của WHO, cho biết dựa trên các mẫu của những người từ nhiều quốc gia khác nhau, các chuyên gia của WHO nhận thấy "không có sự khác biệt về mức độ gây bệnh nghiêm trọng giữa biến thể BA.1 và BA.2, do đó có thể nói khả năng gây bệnh nặng và nguy cơ nhập viện giữa hai phiên bản này là tương tự nhau".
Về chiến dịch tiêm phòng, Hàn Quốc đã phê duyệt sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Nước này khuyến nghị liều dùng cho nhóm trẻ này bằng 1/3 liều thông thường, với khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 3 tuần. Những trẻ bị suy giảm đáng kể khả năng miễn dịch có thể được tiêm nhắc lại sau 4 tuần.
Campuchia bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 3 tuổi và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chiến dịch tiêm phòng cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Chiến dịch tiêm phòng cho trẻ lứa tuổi này bắt đầu được thực hiện ở thủ đô Phnom Penh. Hầu hết các nước hiện vẫn chưa tiêm phòng COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi. Trong tháng 2 này, Mỹ đã hoãn việc xem xét tiêm phòng cho trẻ ở độ tuổi trên trong ít nhất là 2 tháng. Trung Quốc và Bahrain đã triển khai chiến dịch tiêm cho nhóm trẻ từ 3-11 tuổi trên toàn quốc trong khi Cuba đã tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Các chuyên gia Malaysia khuyến cáo người dân không nên đánh giá thấp biến thể Omicron và cần tiêm mũi tăng cường. Tiến sỹ Koh Kar Chai, Chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Malaysia (MMA), kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus cũng như không để bệnh diễn tiến nặng do biến thể Omicron.
Trong khi đó, Indonesia đã quyết định rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ hai và thứ ba trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba do biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Theo đó thời gian giữa hai lần tiêm được rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng đối với những người từ 60 tuổi trở lên. Mũi tiêm tăng cường có thể cùng loại hoặc khác loại vaccine với lần tiêm thứ nhất và thứ hai.
Sau khi được các cơ quan quản lý chính thức phê duyệt, kể từ ngày 24/2, trẻ em Australia từ 6-11 tuổi sẽ được tiêm vaccine mRNA ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ), mang tên Spikevax. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai được cấp phép sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi tại Australia sau vaccine của hãng Pfizer. Loại vaccine đầu tiên đang được tiêm cho tất cả công dân Australia từ 5 tuổi trở lên.