Nước này đã đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 25% dân số sớm hơn nhiều so với dự kiến để tạo miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 và cuối cùng đưa người dân "Xứ sở Kim chi" sớm trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, Hàn Quốc hiện còn nhiều việc phải làm, trong đó có trả lời câu hỏi liệu mục tiêu hoàn tất tiêm chủng cho hơn 70% dân số có mang lại cuộc sống bình thường cho người dân như trước đại dịch hay không?
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 17/6 cho thấy kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng (ngày 26/2/2021) đến nay, đã có hơn 14 triệu người ở nước này được tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19, chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Mục tiêu ban đầu của KDCA là đến cuối tháng 6 sẽ tiêm chủng cho ít nhất 13 triệu người đã được hoàn thành ngày 15/6 vừa qua. Các đích đến tiếp theo là tiêm chủng cho khoảng 14 triệu người vào cuối tháng 6 và 36 triệu người (hơn 70% dân số) vào tháng 9 tới.
Hàn Quốc khởi động chương trình tiêm chủng vaccine khá chậm chạp, muộn hơn trung bình 2 tháng so với các nước phát triển khác. Trước những chỉ trích về sự chậm trễ trong việc mua vaccine, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực bảo đảm nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 thông qua COVAX, dự án vaccine toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới. Tiếp đó, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã nhanh chóng ký hợp đồng mua vaccine ngừa COVID-19 do 5 công ty dược gồm AstraZeneca, Pfizer Inc., Janssen, Moderna và Novavax sản xuất theo từng giai đoạn. Cho đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã đảm bảo đủ vaccine để tiêm chủng cho khoảng 100 triệu người.
Chiến dịch tiêm chủng của Hàn Quốc bắt đầu với các đối tượng ưu tiên, là một số nhóm người dễ nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất. Ngày 26/2/2021, nhân viên y tế và bệnh nhân dưới 65 tuổi tại các cơ sở chăm sóc dài hạn lần đầu tiên được tiêm những mũi đầu tiên của phác đồ vaccine 2 liều do tập đoàn dược phẩm khổng lồ Anh-Thụy Điển AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Tiếp đó đến lượt các nhân viên y tế tuyến đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 được tiêm bằng lô vaccine đầu tiên do Pfizer phát triển.
Tuy nhiên, trong quý I/2021, việc triển khai tiêm chủng vẫn ì ạch, một phần do cơ quan y tế phải xoa dịu những lo ngại về độ an toàn của vaccine. Sau khi giải quyết được những bất an về độ an toàn, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine cho những người trong độ tuổi từ 60 đến 74 thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu trong quý II/2021.
Nhờ những nỗ lực của chính phủ, tỷ lệ đặt lịch tiêm chủng ở người cao tuổi đã đạt 80,7% trong nửa đầu năm 2021, cao hơn nhiều so với mục tiêu trước đó của cơ quan y tế là từ 70 đến 80%. Nhóm dân số trẻ hơn cũng đã tích cực tham gia, số liều vaccine thừa mỗi ngày đã được tận dụng và tiêm được cho nhiều người. Khi Hàn Quốc tiếp nhận lô đầu tiên của vaccine Janssen gồm 900.000 liều, người dân đã đặt kín lịch hẹn trong vòng chưa đầy một ngày.
Tốc độ triển khai vaccine ở Hàn Quốc nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển khác, mất 109 ngày để tiêm chủng cho 25% dân số, so với 130 ngày ở Pháp hay 123 ngày ở Đức. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn tương đối thấp so với Mỹ (51,98%) và một số nước châu Âu, như Vương quốc Anh với 61,21%.
Khi chiến dịch tiêm chủng đạt được tốc độ nhanh như mong muốn, các cơ quan chức năng Hàn Quốc quyết định sẽ nới lỏng giãn cách xã hội vào tháng 7 tới, trong đó có việc nâng số người trong các cuộc tụ tập riêng tư và nới lỏng hạn chế hoạt động đối với các nhà hàng và cơ sở giải trí. Theo đó, số lượng người tham gia các sự kiện này sẽ được nâng dần tùy tình hình dịch bệnh, trong khi các nhà hàng và cơ sở giải trí được mở cửa đến nửa đêm (thay vì 22h00 như hiện nay). Hiện tại, khu vực Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) cùng với thành phố Daegu và hòn đảo nghỉ mát Jeju, đang duy trì giãn cách xã hội ở cấp độ 2 trong khi phần còn lại của đất nước ở cấp độ 1,5. Các cuộc tụ tập riêng tư từ 5 người trở lên vẫn bị cấm trên toàn quốc.
KDCA cũng thông báo có kế hoạch tiêm chủng cho tổng cộng 22 triệu người trong độ tuổi từ 18 đến 59 ngay trong quý III tới. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ cho phép kết hợp vaccine AstraZeneca và Pfizer trong chế độ tiêm 2 mũi giữa một số nhóm bắt đầu từ tháng 7 tới để tăng hiệu quả.
KDCA trước đó cho rằng việc tạo miễn dịch cho khoảng 70% dân số thông qua tiêm chủng hoặc đã nhiễm virus trong quá khứ sẽ dẫn đến miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiện một số chuyên gia y tế lại tỏ ra thận trọng khi khẳng định rằng khả năng miễn dịch cộng đồng chỉ có thể được tạo ra bằng cách tiêm chủng cho hơn 85% dân số.
Bên cạnh đó, tâm lý lo lắng khiến người dân chần chừ đi tiêm có thể sẽ tiếp tục cản trở chiến lược tiêm chủng của Hàn Quốc thời gian tới, liên quan đến tác dụng phụ của việc tiêm vaccine hay những sai sót trong quá trình tiêm chủng. KDCA ngày 14/6 xác nhận xảy ra 105 lỗi hành chính trong số 14,79 triệu ca đã tham gia tiêm chủng, trong số đó có tới 85,7% (hoặc 90 trường hợp) liên quan đến việc sử dụng vaccine cho những người không thuộc diện được tiêm. Bên cạnh đó, nguồn cung vaccine không đủ hoặc khan hiếm cũng là một trong những thách thức không nhỏ trong tương lai, đặc biệt sự cố nguồn cung có thể làm chệch hướng quá trình tiêm chủng. Ông Yoon Tae-ho, một quan chức y tế cấp cao của Hàn Quốc cho rằng: "Tỷ lệ tuân thủ tiêm chủng của người dân tương đối cao nhưng nó có thể giảm đáng kể trong tương lai khi những rào cản bất ngờ xuất hiện".
Thêm một khó khăn nữa trong cuộc chiến chống COVID-19 của Hàn Quốc là sự gia tăng các biến thể của virus SARS-CoV-2 và các loại vaccine hiện có được cho là phát huy hiệu quả kém hơn trước những biến thể mới này. Hàn Quốc đã ghi nhận khoảng 2.000 trường hợp nhiễm các biến thể, chủ yếu là các biến thể phát hiện lần đầu ở Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Đáng chú ý, cho đến nay Hàn Quốc ghi nhận 155 trường hợp mắc biến thể Delta (phát hiện ở Ấn Độ), loại được cho có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Alpha (lần đầu tiên được xác định ở Vương quốc Anh).
Tiến sĩ Paik Soon-young, đồng thời là nhà virus học của Đại học Công giáo Hàn Quốc (CUK), cho rằng biến thể Delta có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng ở những người trẻ tuổi hơn so với dạng ban đầu của virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, tỷ lệ những người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 40 được tiêm chủng là rất thấp. Hơn nữa, theo Tiến sĩ Paik Soon-young, tiêm vaccine mũi một là "đủ để bảo vệ" chống lại chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu, nhưng lại là "quá ít" đối với một số biến thể. Một nghiên cứu gần đây của Bộ Y tế Công cộng Vương quốc Anh cho thấy vaccine AstraZeneca, được sử dụng rộng rãi nhất ở Hàn Quốc, chỉ có 33% phát huy hiệu quả chống lại biến thể Delta trong 3 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên, trong khi tăng lên 60% với mũi thứ hai.
Khi đặt ra mục tiêu khoảng 70% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 trước cuối tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói rằng để "người dân có thể quây quần bên gia đình trong dịp Chuseok (Tết Trung thu) tới" và "mọi thứ sẽ như bình thường trở lại". Tiến bộ trong việc triển khai chương trình tiêm vaccine đã mang lại nhiều hy vọng, song như cảnh báo của Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Korea, Kim Woo-joo "không nên mất cảnh giác quá sớm", những thách thức trước vạch đích vẫn còn nhiều và Chính phủ Hàn Quốc sẽ phải vượt qua một loạt rào cản để có thể thực hiện mục tiêu kiểm soát được đại dịch COVID-19 và đưa cuộc sống bình thường trở lại.