Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA dẫn lời ông Mousavi nêu rõ: "Iran sẵn sàng giảm bớt các cam kết nếu các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân không thể hiện đủ quyết tâm... Bước thứ ba đã được vạch sẵn và sẽ mạnh hơn bước đầu tiên và bước thứ hai để tạo sự cân bằng giữa các quyền lợi của Iran và các cam kết đối với JCPOA".
Phía Iran tuyên bố sẽ từng bước vượt giới hạn của JCPOA về các hoạt động hạt nhân. Theo đó, Tehran cảnh báo sẽ thực hiện những bước đi tiếp theo từ nay đến ngày 6/9 tới, như làm giàu urani lên mức 20% hoặc tái khởi động các máy ly tâm làm giàu urani.
Cùng ngày 2/9, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết quan điểm của Iran và Pháp đã trở nên gần gũi hơn về thỏa thuận hạt nhân, chủ yếu là sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron.
Trong bài phát biểu được truyền hình nhà nước phát sóng, ông Rabiei nhấn mạnh: "Các quan điểm đã trở nên gần gũi hơn về nhiều vấn đề và bây giờ các cuộc thảo luận kỹ thuật đang được tổ chức theo cách thực thi các cam kết của giới lãnh đạo châu Âu (trong thỏa thuận hạt nhân)".
Tuy nhiên, quan chức Iran này không nêu thông tin chi tiết. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Iran Abbas Araghchi đang trên đường tới Paris để đàm phán với giới chức Pháp về thỏa thuận hạt nhân. Theo ông Rabiei, Tehran sẽ triển khai biện pháp nhằm giảm cam kết trong JCPOA nếu việc các nước châu Âu tham gia thỏa thuận thực hiện cam kết theo hạn chót đặt ra không làm Iran "hài lòng".
Ngày 31/8 vừa qua, Phủ Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống nước này Macron và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm, trong đó hai bên nhất trí duy trì liên lạc trong những ngày tới nhằm tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề khu vực, bao gồm cả hồ sơ hạt nhân của Tehran.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bất ngờ tới Biarritz, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), và tiến hành các cuộc đối thoại bên lề với Tổng thống Macron và các quan chức Pháp khác. Các cuộc gặp này được cho là nhằm mở đường cho một giải pháp ngoại giao giải quyết tình trạng căng thẳng giữa Iran và Mỹ. Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên tiếng hối thúc Iran tham gia các cuộc thảo luận với Mỹ nhằm giảm tình trạng căng thẳng tại vùng Vịnh.
Hôm 25/8, giới chức Iran cho biết nước này muốn xuất khẩu từ 700.000 - 1,5 triệu thùng dầu/ngày nếu phương Tây muốn đàm phán với Tehran để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.
Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này.
Quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng xấu đi sau một loạt các động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau, Tehran rút khỏi một số cam kết hạt nhân quan trọng nhất và vượt ngưỡng cho phép trong thỏa thuận về làm giàu urani. Các cường quốc còn lại tham gia ký thỏa thuận đang nỗ lực cứu vãn JCPOA.