Trong thông báo ngày 31/3, người phát ngôn tập đoàn Bayer khẳng định thỏa thuận đã được nhất trí "với sự hài lòng của tất cả các bên".
Trước đó, các nguyên đơn đã cáo buộc Tập đoàn Bayer che giấu những rủi ro có thể xảy đến với sức khỏe người tiêu dùng liên quan tới chất glyphosate có trong thành phần thuốc diệt cỏ Roundup, sau khi Bayer tiếp quản công ty Monsanto năm 2018.
Mặc dù vậy, phía Tập đoàn Bayer không xác nhận thông tin của hãng tin Bloomberg, trong đó có trích dẫn các tài liệu của Tòa án thành phố Kansas, cho biết khoản đền bù theo thỏa thuận có tổng trị giá là 39,6 triệu USD. Cũng theo Bloomberg, tập đoàn có trụ sở chính tại thành phố Leverkusen của Đức cũng nhất trí về việc thay đổi một số cho tiết trên nhãn mác của sản phẩm Roundup.
Thỏa thuận mà Tập đoàn Bayer đạt được với các nguyên đơn vẫn còn phải được tòa án thông qua trước khi chính thức có hiệu lực. Vụ kiện này chỉ là một trong số hơn 48.000 vụ kiện mà Bayer đang phải đối mặt, liên quan các trường hợp ung thư được cho là do chất glyphosate có trong thuốc diệt cỏ Roundup gây ra. Nhiều cuộc thương lượng bên ngoài tòa án, nhằm dàn xếp một kết quả tốt đẹp cho các bên đã diễn ra trong nhiều tháng, nhưng đến nay vẫn chưa đi đích cuối cùng.
Theo báo Wall Street Journal, trong các cuộc thương lượng dàn xếp do luật sư kỳ cựu người Mỹ Ken Feinberg đứng đầu, Tập đoàn Bayer có thể chấp nhận tổng số tiền đền bù khoảng 10 tỷ USD. Tập đoàn này từng thua 3 vụ kiện đầu tiên tại tòa án Mỹ liên quan đến Roundup, trong đó tòa án yêu cầu các khoản bồi thường khổng lồ cho các nguyên đơn, mặc dù sau đó khoản tiền này đã được điều chỉnh giảm xuống.
Tập đoàn Bayer một mực khẳng định rằng các nghiên cứu khoa học ủng hộ lập trường của Bayer rằng chất glyphosate (có trong thuốc diệt cỏ Roundup) không gây rủi ro cho sức khỏe con người, với việc các cơ quan quản lý trên toàn cầu đã chứng nhận sản phẩm này an toàn nếu được sử dụng như mục đích và hướng dẫn.