Hơn nửa thế kỉ kể từ ngày cuốn phim húng ta không nói về bộ phim “Kẻ cắp xe đạp” (1948) bất hủ của đạo diễn người Italy Vittorio de Sica ra đời, giá trị của nó còn nguyên vẹn. Không phải ở tính nhân văn ở câu chuyện của nhân vật Antonio cố gắng lắm mới mua được một chiếc xe đạp đi làm, để rồi bị một kẻ nào đó lấy mất, và rồi cuối cùng phải ăn cắp một chiếc khác, mà ở chỗ, vào thời đại này, khi xe đạp trở lại với những thành phố của Italy và châu Âu trong trào lưu “sống chậm và xanh”, thì các vụ trộm xe đạp cũng tăng lên đến mức chóng mặt.
Cảnh sát bó tay
Trong “Kẻ cắp xe đạp”, Antonio và chính các khán giả cũng không biết được kẻ nào đã lấy đi chiếc xe của anh. Ở ngoài đời thực, cảnh sát cũng bó tay với hầu hết những vụ trộm ấy.
Trung bình mỗi ngày có 3.000 chiếc xe đạp “không cánh mà bay” ở Italy |
Các con số thống kê đăng trên báo chí nước này cho thấy, năm 2011 đánh dấu một sự kiện lịch sử: sau bao nhiêu năm, chiếc xe ô tô trở thành phương tiện của sự tiện nghi và giàu sang đã phải dần nhường chỗ cho chiếc xe đạp, vốn rẻ hơn, tiện lợi hơn, giúp con người vận động cơ thể nhiều hơn và không hề làm hại môi trường. Năm ấy, số xe đạp bán ra lần đầu tiên trong lịch sử nhiều hơn xe hơi 12.000 chiếc.
Năm ngoái chứng kiến một cơn bùng nổ xe đạp, khi số xe đạp được mua nhiều hơn ô tô những 200.000 cái. Nhưng đi kèm với sự yêu thích phương tiện 2 bánh ấy là sự “yêu thích” của những kẻ muốn lấy cắp nó. Số vụ lấy trộm xe đạp ở Italy đã tăng 3,8% so với năm ngoái. Người ta tính rằng, cứ 3 người Italy đi xe đạp thì 2 người đã từng ít nhất một lần nếm trải việc xe mình suýt bị ăn trộm, hoặc đã bị ăn trộm. Cảnh sát Italy đưa ra con số, trung bình mỗi ngày có 3.000 chiếc xe đạp “không cánh mà bay” ở các địa phương của nước này. Một con số kinh khủng.
Tuy nhiên, cứ 5 người mất xe thì chỉ có 1 người báo cảnh sát. Việc tiêu thụ xe tăng mạnh trong thời điểm ở Italy còn thiếu “văn hóa xe đạp” (các chỗ để xe đạp, đường đi đặc biệt cho xe đạp và cả sự quan tâm của mọi người đối với phương tiện có vẻ rất rẻ này) chỉ giúp cho bọn trộm “làm ăn” phát đạt hơn. Một chiếc xe đạp mới có thể mua được ở cửa hàng với giá 150 đến 400 euro, nhưng bọn trộm có thể bán nó với giá 30 đến 100 euro ở những chợ trời lớn như Porta Portese ở Roma.
Một ông bạn Italy của tôi cũng đi xe đạp, khi được hỏi về việc tại sao ở đây người ta ngại báo cảnh sát những vụ mất trộm như thế, đã nhún vai trả lời: “Chiếc xe đạp là một thứ tài sản có giá trị thấp, chẳng đáng là bao so với một chiếc xe hơi. Thế nên, nhiều người nghĩ là cũng chẳng nên mất công báo cảnh sát làm gì”. Vấn đề ở chỗ, mỗi năm, ở Italy có gần 1 triệu chiếc xe đạp mất cắp, với tổng giá trị có thể lên đến 200 triệu euro, tương đương với một trong những khoản tín dụng mà chính phủ đưa ra để hỗ trợ cho các gia đình trong việc thuê và mua nhà!
Ý thức bảo vệ phương tiện
Những vụ trộm kiểu này quả là một cú đánh giáng vào những người coi việc đi xe đạp là một phong cách sống, như ở Milan, thành phố lớn nhất miền bắc Italy, có trung bình 30 cuộc trộm xe được ghi nhận mỗi ngày, hay như ở Turin, có tới hơn 50 vụ trộm.
Vậy phải làm thế nào để chiếc xe dựng ngoài đường, bên cột đèn hiệu, bờ tường, hay biển quảng cáo mà không bị mất, dù bây giờ, người ta luôn cẩn thận khóa chắc chắn chiếc xe lại? Một giải pháp: đăng kí số xe của mình với nhà chức trách. Nhờ giải pháp này, khả năng tìm lại chiếc xe cao hơn hẳn. Có cả một trang web chuyên tìm xe đạp bị mất, và hàng ngày, họ đăng mã số xe tìm thấy để mọi người vào tìm. Một giải pháp nữa: hơn 100.000 người đi xe đạp ở Italy đã đăng kí làm thành viên của một trang web chuyên về “an ninh xe đạp”.
Trang web này được các lực lượng cảnh sát liên tục cập nhật, cho phép xác định chủ nhân của chiếc xe, cảnh báo về việc ăn cắp, tìm thấy xe bị mất hoặc khẳng định rằng chiếc xe nào đó là đồ ăn cắp. Chính quyền thành phố Turin thậm chí đã thành lập cả một đội đặc nhiệm để tìm kiếm xe đạp bị mất và bắt giữ những kẻ trộm xe đạp. Trong khi ấy, báo chí Italy cũng kêu gọi người mất xe “đừng lười, mà hãy đến cảnh sát báo ngay sau khi chiếc xe bị mất”.
Thế đấy, muốn sống trong lành và bảo vệ môi trường cũng không đơn giản. Vấn đề là phải có ý thức bảo vệ chính phương tiện thể hiện ý muốn sống ấy. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến không ít người trở thành kẻ trộm, và trong số những người ăn cắp xe đạp có cả những băng nhóm nhập cư. Ở Hà Lan, người ta đã coi việc trộm xe đạp là “vấn nạn quốc gia”. Trong năm 2011, có 450.000 vụ mất xe được thông báo, chỉ bằng một nửa số vụ ở Italy. Nhưng ít ra, họ còn chăm báo cảnh sát. Và số xe tìm lại được không ít. Không giống những người Italy “lười”….
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc(Pv TTXVN tại Italy)