Tham tán thương mại ĐSQ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Quỳnh Anh trả lời phỏng vấn TTXVN. |
Đây là nhận định của bà Nguyễn Quỳnh Anh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp trong cuộc trả lời phỏng vấn TTXVN trước thềm cuộc hội thảo quan trọng mang tên "Việt Nam, một con Rồng châu Á mới" sẽ được tổ chức ngày 25/3 tại Thượng viện Pháp.
Chuỗi sự kiện gồm hội thảo "Việt Nam, một con Rồng châu Á mới" và các hội nghị bàn tròn nhằm quảng bá cho sản phẩm nông sản Việt Nam lần này do Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với Thượng viện Pháp và Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Pháp (Business France) tổ chức là bước tiếp theo của những sự kiện trong Năm giao lưu Việt-Pháp 2013-2014 và hàng loạt những hoạt động chung giữa Việt Nam và Pháp năm 2015. Việc tổ chức sự kiện lần này xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp ở cả hai phía Việt Nam và Pháp nhằm thông tin về tiềm năng thị trường, tập quán kinh doanh, cách thức mở rộng mạng lưới kết nối doanh nghiệp.
Theo Tham tán Thương mại Nguyễn Quỳnh Anh, Pháp là đối tác quan trọng của Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thiết bị giao thông, hóa mỹ phẩm, nông sản… Số liệu của Hải quan hai nước Pháp và Việt Nam cho thấy xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam trong năm 2015 đã tăng lên 72,5% so với năm 2014. Nếu không tính xuất khẩu liên quan đến lĩnh vực hàng không thì xuất khẩu của Pháp vào Việt Nam tăng 19,8%. Theo chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt giá trị 3,7 tỷ euro trong năm 2015, tăng 34,2% so với 2014.
Từ nhiều năm nay, các công ty của Pháp đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp, cơ sở hạ tầng và năng lượng. Có thể nói, năng lượng là một lĩnh vực mà các công ty của Pháp có thế mạnh và mong muốn chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Rất nhiều các tập đoàn lớn của Pháp như là Véolia, Vinci, Alstom, Buoygue, EDF, GDF, Schneider Electrics đều đã có văn phòng đại diện, hoặc đã mở chi nhánh và thành lập công ty ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh cũng cho biết, mặc dù Pháp là nước có nền nông nghiệp phát triển, song các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhận thấy có cơ hội xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Pháp đặc biệt là đối với các sản phẩm như gạo, trà và cà phê. Pháp có khoảng trên 30 triệu người sử dụng gạo hàng ngày và đây sẽ chính là cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam tìm được chỗ đứng của mình tại thị trường Pháp, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) thực sự có hiệu lực.
Các doanh nghiệp bán buôn của Pháp luôn mong đợi có sự lựa chọn đa dạng giữa các nhà cung cấp. Với quan điểm như vậy, Việt Nam có nhiều lợi thế do vẫn luôn được xếp là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Về phần mình, Bộ Công Thương cũng như Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có nhiều văn bản và triển khai nhiều chương trình xúc tiến xuất khẩu gạo. Cụ thể là ngoài việc tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại về gạo ở các nước trên thế giới thì Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực cũng đã có những chương trình đào tạo và hướng dẫn cho nông dân và doanh nghiệp tự mình xây dựng thương hiệu của riêng mình.
Cũng nhân dịp này, Cục xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Pháp (Business France) sẽ ký Biên bản hợp tác với sự tài trợ của Business France. Dự án này nhằm mục tiêu tăng cường năng lực cho cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam từng bước tìm hiểu và chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu ở nước ngoài cũng như là hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp khi họ đặt chân đến Việt Nam muốn tìm hiểu và muốn kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam.