Phát biểu trên tờ NOZ của Đức ngày 24/2, ông Smith nhấn mạnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày nay đã chi rất nhiều tiền cho vũ khí và tái vũ trang và chính điều này dẫn tới tình trạng nguy hiểm như hiện nay. Ông cho rằng nếu NATO muốn hoạt động hiệu quả hơn ở châu Âu, tổ chức này có lẽ cần được tổ chức tốt hơn, cơ cấu lại lực lượng của các nước thành viên, thay vì chỉ đơn thuần “bơm tiền” mua vũ khí.
Ông cảnh báo: "Chúng ta có những khoản chi tiêu quân sự khủng khiếp như vậy trên toàn thế giới, trong khi có rất nhiều lĩnh vực có thể được tài trợ từ số tiền đó". Theo ông, những bất trắc đối với kiến trúc an ninh châu Âu hiện đã có thể thấy rõ và điều này khuyến khích việc củng cố để có một kiến trúc an ninh vững chắc hơn. Là nhà nghiên cứu hòa bình, Giám đốc SIPRI Dan Smith bày tỏ lo ngại về sự phát triển sẽ khiến hai bên cùng tái vũ trang, dẫn tới một vòng luẩn quẩn. Ông khẳng định: "Ngoại giao vẫn là cách phòng thủ tốt nhất. Không nên đánh mất điều đó và hãy làm mọi cách để củng cố con đường như vậy".
Liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Smith nhận định việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Donbass (miền Đông Ukraine) “khó có thể dẫn đến” kịch bản xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba như nhiều người lo ngại. Về các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, ông Smith đánh giá các biện pháp trừng phạt được coi là hình thức trừng phạt lâu dài và thông thường không thể ngăn chặn những gì đang xảy ra. Tuy về lâu dài, các biện pháp đó có thể mang lại hiệu quả, song cũng không thể thay thế được biện pháp ngoại giao. Ông khẳng định: "Không có sự lựa chọn nào khác ngoài giải pháp ngoại giao".