Ông Harrison Cheng - chuyên gia thuộc Cơ quan Kiểm soát Rủi ro |(Control Risks) cho biết đã có doanh nghiệp lọc hóa dầu lớn tại Singapore đẩy sớm hơn các kế hoạch bảo trì bảo dưỡng từ tháng 5/2020 lên tháng 4/2020. Một doanh nghiệp lọc hóa dầu khác chuyên cung cấp xăng máy bay cho một số sân bay và hãng hàng không quốc tế trên toàn châu Á cũng được cho là đã cắt giảm hoạt động do biên lợi nhuận từ hoạt động lọc dầu sụt giảm mạnh. Hai trong số các thị trường xuất khẩu xăng dầu tinh chế chính của Singapore là Malaysia và Indonesia, do vậy những thay đổi về nhu cầu tại hai nước này cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi hoạt động của các nhà máy lọc dầu Singapore.
Trong khi đó, ông Kang Wu- Trưởng bộ phận phân tích nhu cầu châu Á và toàn cầu tại S&P Global Platts, cho biết sản lượng lọc hóa dầu trong tháng 4/2020 của Singapore đã ở mức thấp hơn con số 900.000 thùng/ngày. Đây là mức công suất thấp hơn tới 25% so với trước khi dịch COVID-19 xuất hiện (tháng 12/2019, Singapore xử lý hơn 1,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày).
Ông Wu cũng cho rằng lĩnh vực lọc hóa dầu tại Singapore đang đối mặt với tình trạng thậm chí khó khăn hơn nữa khi so sánh với các nước châu Á khác, do Singapore là trung tâm trao đổi thương mại các sản phẩm dầu mỏ, đồng thời các nhà máy lọc hóa dầu của nước này là các nhà cung cấp sản phẩm lọc hóa dầu lớn.
Theo báo cáo Statistics Review of World Energy 2019 của BP, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có công suất lọc dầu lớn nhất thế giới, xử lý 34,75 triệu thùng/ngày, trong đó Singapore đứng ở vị trí thứ 5 với công suất 1,51 triệu thùng/ngày.
Theo cáo cáo thị trường dầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, mức suy giảm cao nhất của hoạt động lọc dầu trên toàn cầu được dự báo sẽ rơi vào tháng 5/2020, do các số liệu ước tính lượng nguyên liệu đầu vào trong tháng 4 đã được điều chỉnh theo dữ liệu mới cùng với nhu cầu cao hơn. Trong quý II/2020, các hoạt động lọc hóa dầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm 13,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, và công suất trung bình của năm 2020 sẽ giảm 6,2 triệu thùng/ngày.