Quang cảnh bên ngoài trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington DC., ngày 28/9. Ảnh: EPA/TTXVN |
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Saudi Arabia kêu gọi Quốc hội Mỹ áp dụng "những biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hậu quả thảm khốc và nguy hiểm" của đạo luật này. Người phát ngôn trên cho biết luật này "làm giảm quyền miễn trừ của các quốc gia" và sẽ tác động tiêu cực lên tất cả các nước "bao gồm cả Mỹ", đồng thời bày tỏ hy vọng các nhà lập pháp Mỹ sẽ cân nhắc kỹ hơn.
Trước đó, trong phản ứng của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh việc thực thi luật trên sẽ làm xói mòn các quy tắc về miễn trừ của một quốc gia và gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ khi nó mở đường cho các vụ kiện pháp lý tư nhân chống lại các phái bộ quân sự Mỹ ở nước ngoài.
Sự xói mòn quy tắc miễn trừ quốc gia cũng là mối lo ngại của 6 quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong đó Saudi Arabia là thành viên quyền lực nhất. Các thành viên còn lại đã đứng về phía Riyadh chỉ trích đạo luật của Mỹ.
Đây bị xem là một đòn giáng mạnh đối với Tổng thống Obama và Saudi Arabia, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở thế giới Arab. Nhiều khả năng quan hệ thân cận này sẽ trở nên căng thẳng, tạo tiền lệ cho các nước khác ban hành điều luật tương tự. Khi đó, quân đội Mỹ, nhân viên tình báo, ngoại giao và công vụ Mỹ có thể bị khởi kiện ở nước ngoài. Đồng thời, tài sản của Chính phủ Mỹ ở nước ngoài cũng có nguy cơ bị tịch thu.
Giới phân tích cảnh báo Riyadh sẽ có thể giảm hợp tác an ninh và và tình báo rất có giá trị với Washington sau động thái trên của Quốc hội Mỹ. Quan hệ đối tác nhiều thập kỷ với đồng minh lâu năm Saudi Arabia đã từng cung cấp cho chính quyền Mỹ những thông tin tình báo quý giá, giúp ngăn chặn nhiều âm mưu tấn công.