Quan chức Philippines đánh giá cao vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Philippines tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Noel Servigon cho rằng vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN vượt qua đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 “rất đáng được khen ngợi”.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại sứ Noel Servigon cho hay Việt Nam đã dẫn đầu các cuộc đàm phán về nhiều vấn đề hợp tác quan trọng trên ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế, và văn hóa - xã hội với các đối tác bên ngoài. Vai trò lãnh đạo của Việt Nam càng trở nên nặng nề hơn trong bối cảnh ASEAN trải qua đại dịch COVID-19 vốn khiến cả khu vực đối mặt với những thực tế không thể dự đoán được.

Tuy nhiên, bất chấp các thách thức, Việt Nam không chỉ triệu tập thành công các cuộc họp ASEAN mà còn duy trì động lực hợp tác với tất cả các đối tác đối thoại và các đối tác bên ngoài của ASEAN, cũng như thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao (HNCC) Đông Á. Thông qua nhiều mối quan hệ tương tác này, Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, thể hiện rõ rằng ASEAN đóng vai trò chủ đạo và quyết định tiến trình tương lai của khu vực.

Nhà ngoại giao Philippines khẳng định rằng Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan vừa kết thúc với thành công rực rỡ vừa qua tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò trung tâm ASEAN, và sự phù hợp của ASEAN cũng như các cơ chế của tổ chức khu vực này. Trọng tâm của Hội nghị là phản ứng tập thể của khu vực không chỉ nhằm giải quyết các thách thức to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra, mà còn nắm bắt các cơ hội hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả người dân ASEAN.

Về các thành tựu nổi bật của ASEAN trong năm 2020, Đại sứ Noel Servigon cho biết ASEAN đã thông qua một số văn kiện và sáng kiến hướng tới tương lai, trong đó nêu rõ rằng con đường duy nhất phải là hướng tới sự tham gia sâu rộng hơn nữa của khu vực về các vấn đề quan trọng. Theo ông, lễ ra mắt Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và bệnh mới nổi (AC-PHEED) là một ví dụ điển hình. AC-PHEED là biểu hiện của sự công nhận tập thể rằng nếu muốn chiến thắng đại dịch hiện tại và phòng tránh các đại dịch trong tương lai, ASEAN cần phối hợp, hợp tác với nhau.

Đại sứ Noel Servigon đánh giá rằng việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một ví dụ khác về việc 15 quốc gia cùng chung tay và hợp tác giữa các áp lực của chủ nghĩa bảo hộ. Đặc biệt, ngoài các sáng kiến đáng khen ngợi, năm 2020 cũng được đánh dấu bởi thành công tuyệt đối của tinh thần ASEAN, với đặc trưng là sự thống nhất trong đa dạng. Theo Đại sứ, bất chấp các thách thức do đại dịch gây ra, quyết tâm cùng nhau đối mặt với những trở ngại đó của ASEAN “chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế”.

Đánh giá về ý nghĩa của RCEP, Đại sứ Noel Servigon khẳng định rằng việc ký kết thỏa thuận này đã khép lại quá trình đàm phán kéo dài 8 năm và đánh dấu sự khởi đầu của hội nhập khu vực sâu rộng hơn. Thỏa thuận quan trọng này là một “tia hy vọng” trước chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và vạch ra con đường tăng cường kết nối chuỗi cung ứng.

RCEP thể hiện cam kết của 15 quốc gia nhằm tự do hóa thương mại và tạo động lực cho phục hồi kinh tế vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái tồi tệ nhất do đại dịch COVID-19. Về phần mình, Philippines coi việc ký kết hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này là chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Các nước RCEP chiếm hơn 50% thị trường xuất khẩu của Philippines và thỏa thuận này có tiềm năng thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của khu vực.

Cũng theo Đại sứ Noel Servigon, trước những thách thức to lớn của đại dịch COVID-19, RCEP rất quan trọng khi ASEAN kết nối với các quốc gia nơi chuỗi cung ứng là yếu tố cần thiết cho sự phục hồi kinh tế của mình. Hội nhập khu vực ngày càng sâu rộng và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này sẽ mang lại những lợi ích và lợi ích tập thể hữu hình và sâu rộng cho khu vực và các nền kinh tế riêng lẻ bằng cách trao quyền cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo việc làm và cải thiện mức sống trong khu vực và khôi phục niềm tin kinh doanh cần thiết.

Về những thách và cơ hội của ASEAN trong thời gian tới, Đại sứ Noel Servigon cho rằng phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19 sẽ định hình tương lai của khu vực trong một thời gian khá dài. Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte đã nhấn mạnh tại HNCC ASEAN 37 là ASEAN cần đẩy nhanh việc thực hiện Khung phục hồi toàn diện khu vực.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế và phát triển con người phải luôn song hành với nhau. Để phục hồi toàn diện và lâu dài, cuộc sống của mỗi người dân cần được nâng cao. Tổng thống Rodrigo Roa Duterte đã nhấn mạnh tại HNCC ASEAN 37, tất cả mọi người cần được hưởng lợi từ tăng trưởng. Do vậy, ASEAN cần nâng cao kỹ năng và tái đào tạo cho lực lượng lao động để họ thích ứng tốt hơn với các thực tế mới.

Cuối cùng, Đại sứ Noel Servigon cho rằng một thách thức quan trọng khác mà khu vực cần phải vượt qua là đảm bảo rằng tăng trưởng và phát triển phải được bảo vệ khỏi “sự tấn công không khoan nhượng của các thảm họa thiên tai”. Theo đó, ASEAN không được dao động trong hành động tập thể nhằm chống lại các tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường hơn nữa hợp tác trong quản lý giảm nhẹ rủi ro thiên tai để củng cố năng lực của mình, cả ở cấp quốc gia và khu vực.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)
Duy trì sự đoàn kết, uy tín của ASEAN trong hợp tác quốc phòng đa phương
Duy trì sự đoàn kết, uy tín của ASEAN trong hợp tác quốc phòng đa phương

Ngày 19/11, Hội nghị trực tuyến Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) diễn ra dưới sự chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ADSOM+ Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN