Theo tờ Dailymail, nghiên cứu do ông Steve Hanke, người sáng lập Trường Kinh tế Ứng dụng Johns Hopkins; ông Jonas Herby và Lars Jonung, nhà kinh tế học Thụy Điển, thực hiện.
Cụ thể, phân tích tổng hợp của nghiên cứu cho thấy các biện pháp phong tỏa hồi mùa xuân năm 2020 chỉ làm giảm 0,2% tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Mỹ và Châu Âu.
Các nhà nghiên cứu viết: “Mặc dù phân tích tổng hợp này kết luận rằng phong tỏa ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhưng biện pháp này đã gây ra thiệt hại kinh tế và xã hội khổng lồ. Do đó, các chính sách phong tỏa là không có cơ sở”.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng cần cân nhắc lợi ích của phong tỏa và thiệt hại mang tính tàn phá đối với nền kinh tế và xã hội.
Các nhà nghiên cứu viết: “Phong tỏa đã làm giảm hoạt động kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm tỷ lệ đi học, gây bất ổn chính trị, góp phần gây ra bạo lực gia đình và phá hoại nền dân chủ tự do”.
Theo dữ liệu của Mỹ, từ tháng 5/2020 đến tháng 4/2021, Mỹ đã ghi nhận 100.306 ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều, tăng 28,5% so với 78.056 ca tử vong được ghi nhận trong khoảng thời gian 12 tháng trước đó.
Một nghiên cứu năm 2021 từ Ủy ban Quốc gia về COVID-19 và Tư pháp Hình sự cho thấy các vụ bạo lực gia đình đã tăng 8,1% sau khi lệnh phong tỏa được ban hành.
Vào tháng 4/2020, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức đáng kinh ngạc 14,8% rồi cuối cùng giảm xuống 3,9% vào tháng 12 //2021, chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ trước đại dịch.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu kết luận rằng phong tỏa gây hy sinh quá nhiều để đổi lại rất ít. Họ nói: “Việc tính toán lợi ích-chi phí tiêu chuẩn như vậy dẫn đến một kết luận chắc chắn: cần loại bỏ phong tỏa với tư cách là một công cụ chính sách đại dịch”.
Vào tháng 11/2021, Tổng thống Biden đã tiết lộ chiến lược chống lại COVID-19 và biến thể Omicron, nói rằng ông sẽ tập trung vào vacine và mũi tiêm tăng cường, thay vì ngừng hoạt động và đóng cửa.
Tính đến ngày 1/2, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng trên 76 triệu ca mắc COVID-19 và trên 913.000 trường hợp tử vong.