Trong tuyên bố chung, ngoại trưởng của 3 nước trên kêu gọi Iran ngay lập tức ngừng các hoạt động vi phạm Thoả thuận hạt nhân năm 2015, được gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ba nước này đồng thời hối thúc Iran sớm quay trở lại bàn đàm phán tại Vienna để có thể sớm khôi phục JCPOA.
Trong báo cáo được công bố ngày 16/8, IAEA xác nhận vào ngày 14/8 vừa qua, Iran 257g urani được làm giàu dưới dạng UF4 để sản xuất 200g kim loại urani làm giàu lên mức 20% U-235”, đồng thời cho biết thêm rằng đây là khâu thứ ba trong kế hoạch 4 bước của Tehran. Bước thứ tư bao gồm việc chế tạo một thanh nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân.
Phản ứng về báo cáo của IAEA, Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: “Toàn bộ các chương trình hạt nhân và hành động (của Iran) đều tuân thủ hoàn toàn NPT (Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân), cam kết bảo vệ của Iran và nằm dưới sự giám sát của IAEA như đã từng thông báo trước đây”.
Chương trình làm giàu urani của Iran đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Mỹ cùng 3 cường quốc châu Âu (Anh, Pháp, Đức) vì công nghệ và kiến thức trong quy trình này có thể được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân. Iran khẳng định chương trình hoàn toàn vì mục đích hòa bình và đang phát triển một mẫu nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân mới.
Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút khỏi JCPOA và đơn phương áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt cũ và mới đối với Iran. Đáp lại, Iran đã dần ngừng thực hiện các cam kết trong JCPOA từ tháng 5/2019. Các bên bắt đầu đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận tại Vienna (Áo) từ tháng 4/2021, nhưng giữa Iran và Mỹ vẫn còn tồn tại những bất đồng nghiêm trọng. Vòng đàm phán thứ 6 đã kết thúc hôm 20/6 và các cuộc đàm phán hiện đang bị gián đoạn.