Papua New Guinea tiếp tục sơ tán khoảng 7.900 người trước nguy cơ xảy ra thêm sạt lở

Khoảng 7.900 người sống gần khu vực xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng hôm 24/5 tại Papua New Guinea đang tiếp tục được sơ tán, do lo ngại về những trận sạt lở đất tiếp theo có thể xảy ra.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ lở đất ở Maip Mulitaka, tỉnh Enga, Papua New Guinea ngày 26/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Thảm họa xảy ra tại làng Kaokalam, thị trấn Porgera thuộc tỉnh Enga, cách thủ đô Port Moresby khoảng 600 km về phía Tây Bắc. Thời điểm lở đất vào khoảng 3h sáng 24/5 (giờ địa phương), khi nhiều dân làng đang ngủ. Một phần đất đá của núi Mungalo đã đổ sụp, vùi lấp nhiều ngôi nhà và tàn phá toàn bộ cộng đồng dưới chân núi.

Trung tâm thảm họa quốc gia Papua New Guinea lo ngại hơn 2.000 người có thể đã bị chôn vùi, nhưng cho đến nay mới chỉ có 5 thi thể được kéo ra khỏi đống đổ nát.

Ông Sandis Tsaka, quan chức tỉnh Enga, cho biết tình hình vẫn chưa ổn định, với đất đá liên tục rơi xuống mỗi giờ. Theo ông miêu tả, khu vực từng tập trung nhiều nhà ở, cơ sở kinh doanh, nhà thờ, trường học với mật độ dân cư đông đúc, giờ đây chỉ còn là bãi đất cằn cỗi rải đầy đá. 

Trong cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các chính phủ nước ngoài và cộng đồng quốc tế, ông Tsaka đã đề nghị nhận được thêm hỗ trợ trong việc quản lý rủi ro lở đất, điều phối các nỗ lực ứng phó và đảm bảo cung cấp nhanh chóng các vật tư thiết yếu. Ông cũng thừa nhận việc không được trang bị đầy đủ để đối phó với thảm kịch này.

Ngày 27/5, Chính phủ Australia thông báo sẽ gửi gói viện trợ ban đầu trị giá 2,5 triệu AUD (1,6 triệu USD) cùng nhiều vật tư cứu trợ khẩn cấp, đồng thời sẽ cử thêm các chuyên gia kỹ thuật tới Papua New Guinea để hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ và phục hồi sau trận lở đất kinh hoàng. 

Theo đó, các chuyên gia Australia sẽ hỗ trợ quản lý sự cố, đánh giá hiểm họa địa chất và nỗ lực phục hồi với sự trợ giúp của Lực lượng Phòng vệ Australia. Ngoài ra, Australia cũng sẽ cung cấp nơi tạm trú, bộ dụng cụ vệ sinh và hỗ trợ cụ thể cho phụ nữ và trẻ em để đáp ứng nhu cầu trước mắt của cộng đồng địa phương trong khu vực lở đất.

Tuy nhiên, các hoạt động cứu trợ phải đối mặt với những thách thức đáng kể, do vị trí của nơi xảy ra thảm họa là vùng cao nguyên xa xôi, hiểm trở, khiến cho các tuyến đường giao thông bị gián đoạn nghiêm trọng.

Linh Tô (TTXVN)
Đào bới tìm 2.000 người bị chôn sống sau vụ lở đất thảm khốc ở Papua New Guinea
Đào bới tìm 2.000 người bị chôn sống sau vụ lở đất thảm khốc ở Papua New Guinea

Người dân địa phương ở Papua New Guinea đã dùng gậy và tay trần để đào bùn sau vụ lở đất lớn khiến khoảng 2.000 người có thể bị chôn sống. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN