Đây là cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ và Canada đưa ra trong báo cáo công bố ngày 3/4.
Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu do Viện nghiên cứu các tác hại đối với sức khỏe có trụ sở ở Mỹ và Đại học British Columbia (Canada) công bố, ô nhiễm không khí là nguyên nhân thứ 5 gây tử vong sớm trên toàn thế giới, nhiều hơn cả số trường hợp tử vong do sốt rét, tai nạn giao thông đường bộ, suy dinh dưỡng hoặc do đồ uống có cồn.
Tuổi thọ của trẻ em Nam Á sẽ bị rút ngắn nhiều nhất, khoảng 30 tháng, do vừa phải hít thở bầu không khí ô nhiễm ở ngoài đường, vừa phải sống trong môi trường không sạch sẽ trong nhà. Tại Đông Á, ô nhiễm không khí sẽ khiến tuổi thọ của trẻ em giảm khoảng 23 tháng, trong khi con số này ở các khu vực phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và Bắc Mỹ chỉ là 20 tuần.
Qua phân tích dữ liệu thu thập vào cuối năm 2017, các chuyên gia ước tính nếu mức độ ô nhiễm không khí được kiểm soát trong phạm vi giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi thọ trẻ em ở Bangladesh sẽ tăng gần 1,3 năm, mức tăng cao nhất. Trong khi đó, trẻ em ở các nước Ấn Độ, Nigeria và Pakistan cũng tăng tuổi thọ trung bình khoảng 1 năm.
Cũng theo báo cáo trên, mặc dù đã thực thi nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, Trung Quốc vẫn là nước có tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí cao nhất, với khoảng 852.000 ca trong năm 2017. Ngoài Trung Quốc, danh sách 5 nước có tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí cao nhất còn có Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và Bangladesh - đều là các nước châu Á. Các chuyên gia lưu ý thực tế đáng lo ngại rằng 147 triệu năm tuổi thọ đã bị giảm trên toàn thế giới trong năm 2017 do ô nhiễm không khí.
Sống trong bầu không khí độc hại trong nhà, chủ yếu từ hoạt động nhóm than, củi để nấu ăn, sưởi hoặc thắp sáng, là thực trạng khá phổ biến ở các nước Nam Á, Đông Á và khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi. Gần 50% dân số thế giới tiếp xúc với bầu không khí trong nhà bị ô nhiễm, trong đó có khoảng 846 triệu người ở Ấn Độ và 452 triệu người ở Trung Quốc.
Kết quả một nghiên cứu do WHO công bố hồi tháng 10 vừa qua cho thấy việc tiếp xúc với không khí độc hại ở cả trong nhà và ngoài đường khiến hơn 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong mỗi năm. Trẻ em cũng được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí hơn người lớn vì nhịp thở của các em nhanh hơn do đó dễ nhiễm các chất độc hơn, trong khi não bộ và cơ thể của các em vẫn đang phát triển. Theo WHO, mỗi ngày 93% số trẻ em dưới 15 tuổi trên thế giới đang hít thở không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.