Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), nghiên cứu công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, được thực hiện dựa trên dữ liệu giải trình tự gien của 3 chủng virus. Trong đó, 2 chủng virus được lấy từ các bệnh nhân ở Bắc Kinh và chủng virus còn lại được lấy trong tự nhiên.
Nhà nghiên cứu Georg Hahn đã hợp tác với khoa Thống kê Sinh học của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H Chan. Họ đã so sánh các gien này với hơn 7.000 trình tự gien thu được từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà khoa học đã phát hiện 3 chủng này thuộc nhóm virus chủ yếu có tại châu Âu, nhưng gần đây được ghi nhận “hầu như chỉ có” tại khu vực nhiệt đới của châu Á.
“Các trường hợp mắc COVID-19 mới tại Bắc Kinh được cho là đã lây truyền từ Nam Á hoặc Đông Nam Á từ tháng 4 đến tháng 6”, ông Hahn và các đồng nghiệp của mình cho biết trong một tuyên bố hôm 1/7 (giờ Mỹ).
Ổ dịch mới bùng phát tại Bắc Kinh vào hôm 11/6, sau gần 2 tháng thành phố này không ghi nhận ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nào. Hiện tại, trên 7 triệu người đang được xét nghiệm trên khắp thủ đô của Trung Quốc trong nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh.
Đến ngày 2/7, đã có 326 ca mắc bệnh, nhiều người trong số họ được cho có liên quan đến khu chợ bán buôn thực phẩm Tân Phát Địa. Tại Vũ Hán, nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 từ tháng 12/2019, các ca nhiễm mới nhất cũng có liên quan đến các khu chợ buôn bán thực phẩm như vậy.
Ông Wu Zunyoy, nhà khoa học hàng đầu của CDC Trung Quốc, cho rằng sự tương đồng này có thể là đầu mối quan trọng trong việc tìm ra nguồn gốc của dịch bệnh. Các ca mắc bệnh ở cả hai thành phố đều “tập trung tại khu chợ bán hải sản”. Ông cũng tiết lộ rằng trình tự gien di truyền cũng cho thấy virus tại Bắc Kinh “không thể có nguồn gốc từ động vật, cũng không bắt nguồn từ các chủng phổ biến trước đó”.
CDC Trung Quốc cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng các chủng virus được tìm thấy trong đợt bùng phát mới nhất ở Bắc Kinh đều bắt nguồn từ nước ngoài. Chủng virus này có thể đã được đưa vào khu chợ bởi một người mắc bệnh hoặc thông qua các lô hàng thực phẩm đã nhiễm virus từ nước ngoài.
Trước đó, ông Yang Peng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh, nói với truyền thông địa phương rằng cuộc điều tra của họ đã chỉ ra “virus có nguồn gốc từ châu Âu”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Wu Guizhen, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh quốc gia, cho biết các chủng được tìm thấy ở Bắc Kinh có 2 “đột biến nước ngoài”, một loại xuất hiện đầu tiên ở châu Âu và loại khác được ghi nhận đầu tiên ở Anh trước khi lan rộng khắp châu Âu và Mỹ.
Những đột biến đó đã được phát hiện ở Trung Quốc hồi tháng 3, từ những du khách trở về từ nước ngoài. Bà nói thêm rằng các chủng được tìm thấy ở Bắc Kinh lâu đời hơn về mặt di truyền so với các chủng đang lưu hành ở châu Âu hiện nay.
Giám đốc CDC Trung Quốc Gao Fu nói với tờ Beijing Daily vào tháng trước rằng virus có thể đã xuất hiện ở các khu chợ thực phẩm tại Bắc Kinh từ 1 đến 2 tháng trước khi dịch bệnh bùng phát. Virus này được cho là thích nghi tốt ở nhiệt độ thấp và môi trường tối, ẩm ướt của khu chợ có thể là nơi “ẩn náu” của nó.
Tuy nhiên, theo một nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nhiều khả năng ổ dịch tại Bắc Kinh bắt nguồn từ một sự kiện khá gần đây, dường như là vào tháng sáu. Nhóm nghiên cứu đã phân tích hơn 60.000 trình tự gen của virus trong cơ sở dữ liệu toàn cầu. Họ đã tìm thấy hơn 200 chủng virus có liên quan chặt chẽ với các mẫu virus từ Bắc Kinh.
“Điều đó có nghĩa là virus có thể bắt nguồn từ bất kỳ đâu. Khi không có đầy đủ mẫu xét nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới, khả năng cao là các chủng virus này có thể bắt nguồn từ một nơi không có dữ liệu”, chuyên gia giấu tên nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết không thể đưa ra kết luận về nguồn gốc của các chủng virus mới ở Bắc Kinh vì “các trường hợp mắc bệnh ở Nam Á cũng có thể trở về từ các khu vực khác trên thế giới”.