Lãnh đạo các nước chia buồn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi.
Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Nhân dân Lào; Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhân dân Trung Quốc; Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary; Đại tướng Raúl Castro Ruz và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz Canel-Bermúdez; Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Hội đồng liên bang Quốc hội Liên bang Nga (Thượng viện Nga) Valentina Matvienko, Chủ tịch Đuma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin đã gửi các điện/thư chia buồn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân Việt Nam.
Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Srettha Thavisin; Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Droupadi Murmu và Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi; Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un; Tổng thống Đại Hàn dân quốc Yoon Suk Yeol; Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden; Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do cầm quyền Kishida Fumio; Toàn quyền Australia Sam Mostyn, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines và Chủ tịch Hạ viện Australia Milton Dick; Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis đã gửi các điện/thư/thông điệp chia buồn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Thanh Mẫn, nhân dân Việt Nam và gia quyến đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 19/7, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel tuyên bố quốc tang tưởng niệm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Theo thông cáo đăng tải trên nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, Cuba sẽ để tang chính thức tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 6 giờ ngày 20/7 (giờ địa phương) tới 24 giờ ngày 21/7, trong khi nghi thức quốc tang sẽ diễn ra trong cả ngày 22/7. Trong thời gian quốc tang, các tòa nhà công và các trụ sở quân sự trên cả nước Cuba sẽ treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Biến động bầu cử Mỹ sau vụ ám sát hụt ông Trump
Ngày 15/7, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas thừa nhận vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump là một “thất bại” trong việc đảm bảo an ninh.
Vụ tấn công ông Trump xảy ra tại sự kiện vận động tranh cử vào ngày 13/7 (theo giờ địa phương) ở Butler, bang Pennsylvania. Đây là thành phố nằm ở phía Tây của bang, cách Pittsburgh khoảng 56km về phía Bắc. Kênh CNN (Mỹ) cho biết ông Trump đứng cách xa kẻ tấn công khoảng 120-150m.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ngày 14/7 xác nhận nghi phạm nổ súng là Thomas Matthew Crooks (20 tuổi) sống tại Bethel Park, bang Pennsylvania. Hung thủ đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt ngay tại chỗ.
Ông Trump bị thương ở tai và được xuất viện từ Bệnh viện Butler Memorial ở Pennsylvania vào tối 13/7.
Sau vụ ám sát ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump, đội ngũ phụ trách chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhanh chóng thay đổi chiến lược, gỡ bỏ các quảng cáo trên truyền hình và đình chỉ các hoạt động truyền thông chính trị khác, bao gồm cả quảng cáo tập trung vào những vụ án hình sự liên quan đến ông Trump.
Chiều 14/7 (giờ địa phương), Tổng thống Biden đã lên án vụ ám sát người tiền nhiệm Trump, đồng thời kêu gọi người Mỹ đoàn kết và ra lệnh xem xét lại an ninh ở sự kiện vận động tranh cử nơi ông Trump bị thương. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đã có cuộc điện đàm ngắn nhưng suôn sẻ với ông Trump.
Sáng 16/7 (theo giờ Hà Nội), cựu Tổng thống Mỹ Trump lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng từ sau vụ ám sát hụt. Với một bên tai được băng bó cẩn thận, ông Trump có mặt tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ). Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa diễn ra từ ngày 15 đến 18/7 tới, thu hút gần 2.400 đại biểu.
Đáng chú ý, ông Trump tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cả những người từng là đối thủ tranh cử, nhất là sau khi chính khách này may mắn thoát chết trong vụ ám sát hôm 13/7. Tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ngày 16/7, bà Nikki Haley và ông Ron DeSantis - từng là đối thủ hàng đầu của ông Trump trong thời gian tranh cử nhân vật đại diện đảng Cộng hòa - đã thể hiện sự ủng hộ đối với cựu Tổng thống.
Trong ngày làm việc cuối cùng của Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, ông Trump đã chính thức chấp nhận đề cử làm ứng cử viên của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Trước đó, Thượng nghị sĩ J.D. Vance cũng chính thức chấp nhận đề cử làm người liên danh tranh cử của ông Trump.
Trong một diễn biến liên quan, ông Jen O' Malley Dillon - người phụ trách chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden – cho biết ứng cử viên đảng Dân chủ kiên định với mục tiêu ở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai. Và dự kiến, Tổng thống Biden sẽ quay trở lại chiến dịch tranh cử vào tuần tới sau khi kết thúc thời gian cách ly do mắc COVID-19.
Sự cố công nghệ khiến nhiều lĩnh vực trên toàn cầu “điêu đứng”
Sự cố công nghệ trên diện rộng đã gây gián đoạn hoạt động của các doanh nghiệp và tổ chức ở nhiều quốc gia, khiến sân bay, hãng hàng không, công ty đường sắt, dịch vụ chính phủ, ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán, siêu thị, viễn thông, hệ thống y tế và các cơ quan truyền thông rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Công ty an ninh mạng CrowdStrike (Mỹ) và một bản cập nhật phần mềm nhỏ đang là tâm điểm của sự cố công nghệ thông tin toàn toàn cầu ngày 19/7, khiến các máy chạy hệ điều hành Microsoft Windows gặp sự cố.
CrowdStrike có trụ sở tại Texas, chuyên cung cấp các sản phẩm bảo mật internet, chống mã độc tống tiền, phần mềm độc hại… cho các doanh nghiệp và tổ chức lớn. Vào 11 giờ sáng 19/7 (giờ Việt Nam), CrowdStrike đã phát hành cập nhật cấu hình cảm biến trên chương trình Falcon nhằm vào các hệ thống Windows.
Cảm biến Falcon là một chương trình an ninh mạng cung cấp khả năng bảo vệ tự động một phần khỏi phần mềm độc hại, hỗ trợ chống virus, ứng phó sự cố và các tính năng bảo mật khác. Chương trình này dựa trên điện toán đám mây, nghĩa là nó hoạt động cùng với các máy chủ của CrowdStrike mà không cần khách hàng cài đặt và quản lý thiết bị hoặc phần mềm bổ sung.
CrowdStrike cho biết những cập nhật kiểu này đối với chương trình Falcon diễn ra nhiều lần trong ngày và được thực hiện kể từ khi chương trình ra mắt. Theo công ty, bản cập nhật đã gây ra lỗi dẫn đến sự cố hệ điều hành trên hệ thống Windows (người dùng Mac và Linux không bị ảnh hưởng).
Crowdstrike cùng ngày 19/7 thông báo đã triển khai bản sửa lỗi đối với sự cố. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, CEO của Crowdstrike - ông George Kurtz nêu rõ: “Đây không phải là sự cố bảo mật hay tấn công mạng. Vấn đề đã được xác định, khoanh vùng và bản sửa lỗi đã được triển khai. Chúng tôi vô cùng xin lỗi về những ảnh hưởng đối với khách hàng, khách du lịch và mọi người”.
Ngoài ra, Microsoft cũng tuyên bố đã tìm ra nguyên nhân cơ bản và khắc phục sự cố khiến 365 ứng dụng và dịch vụ của tập đoàn này ngừng hoạt động.
Hai giải vô địch bóng đá khu vực khép lại với nhiều cảm xúc
Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2024) khép lại vào hôm 14/7 với chiếc cúp vô địch thuộc về đội tuyển Tây Ban Nha. Tây Ban Nha đã lập kỷ lục, trở thành đội bóng duy nhất ở châu Âu 4 lần đăng quang giải đấu khu vực này.
Tây Ban Nha đã đánh bại đội tuyển Anh ở trận chung kết với tỷ số 2-1. Tại EURO 2024, Tây Ban Nha còn đánh bại hàng loạt đối thủ tên tuổi như Croatia, Italy, Đức, Pháp. Không chỉ chiến thắng, họ còn trình diễn lối chơi ấn tượng, và đội hình trẻ nhiều tiềm năng. Chân sút Lamine Yamal của Tây Ban Nha đã giành giải "Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất EURO 2024". Bên cạnh đó, cầu thủ Dani Olmo của Tây Ban Nha còn chia sẻ giải thưởng "Vua phá lưới" của giải đấu với 5 cầu thủ khác ghi được 3 bàn thắng trên đất Đức.
Toàn bộ 24 đội tham dự EURO 2024 đều có ít nhất 1 điểm và khoảng cách điểm trung bình giữa đội đầu bảng và cuối bảng ở mỗi bảng chỉ là 4,5 điểm - mức thấp nhất kể từ EURO 1996 (giải đầu tiên mở rộng quy mô lên 16 đội).
Ngay sau khi EURO 2024 kết thúc, một giải đấu cấp khu vực khác cũng đi đến hồi kết. Sáng 15/7, đội tuyển Argentina đã đánh bại đội tuyển Colombia với tỉ số 1-0 để bảo vệ thành công chức vô địch Copa America 2024. Đây là lần thứ 16 Argentina đăng quang tại giải đấu này.
Danh hiệu mới nhất của Argentina, chức vô địch Copa America 2024, đến sau chiến thắng tại World Cup 2022 và Copa America 2021.
Copa America 2024 được tổ chức tại Mỹ. Giải đấu bóng đá cấp khu vực này được coi như đợt tổng duyệt cho Mỹ - quốc gia đồng chủ nhà của World Cup 2026. Đây cũng là lần thứ 2 nước Mỹ đăng cai Copa America, sau lần đầu tiên vào năm 2016
Có 16 đội tuyển bóng đá quốc gia tranh tài tại Copa America năm nay. Trong đó, có 10 đội từ Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) và 6 đội của Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF).