Theo bài báo, Sri Lanka không liên quan đến các vụ xả súng ở hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch khiến 50 người thiệt mạng. Nước này cũng không đóng vai trò nào trong các cuộc chiến của Phương Tây tại thế giới Hồi giáo, vốn là cái cớ chung mà IS viện vào để thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các quốc gia và nạn nhân Phương Tây. Sri Lanka cũng không từng phải hứng chịu hoạt động khủng bố Hồi giáo. Tuy nhiên, IS lại nhìn nhận vấn đề tổng thể theo một cách khác.
Thứ nhất, IS không thực sự đại diện cho các nạn nhân ở New Zealand. Nhưng chúng coi các vụ giết hại ở Christchurch là cuộc tấn công nhằm vào đạo Hồi và chúng tự nhận mình là "những tín đồ đích thực" và người bảo vệ đức tin. Đối với IS, các vụ xả súng này là do người Công giáo thực hiện chứ không phải một kẻ khủng bố đơn lẻ. Do đó, hành động trả đũa có thể là nhằm vào người Công giáo ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Thứ hai, IS hoạt động thông qua mô hình trung ương - ngoại vi. Khi trung ương (các vùng lãnh thổ mà IS chiếm được ở Syria và Iraq) bị tấn công, IS đã chuyển trọng tâm ra ngoại vi, tiến hành các cuộc tấn công khủng bố (cả trực tiếp lẫn truyền cảm hứng) ở nhiều nơi trên thế giới, từ hộp đêm ở Orlando (Mỹ) đến quán cà phê ở Dhaka, Bangladesh.
Hiện khu vực trung ương của IS đã thất thủ. Nhưng chỉ có cơ cấu tổ chức của chúng bị triệt phá, chứ không phải hệ tư tưởng. Quan điểm toàn cầu của IS về cuộc xung đột lâu dài giữa Hồi giáo và các tôn giáo khác vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho những phần tử thánh chiến trẻ tuổi. Hàng nghìn phiến quân đã sống sót sau sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo và dường như đang có một hệ thống liên lạc giữa những thành phần sống sót ở trung ương và những tay súng tiềm tàng ở vùng ngoại vi. Mục tiêu của chúng là gieo rắc khủng bố ở bất cứ nơi nào trên thế giới và gây ra một cuộc chiến văn hóa giữa đạo Hồi và các tôn giáo khác. Lần này là Sri Lanka, lần tiếp theo có thể là bất cứ quốc gia nào.