Nợ công - trận chiến quyết định tương lai chính trị châu Âu

Mặc dù đã phát huy cả nội lực lẫn ngoại lực, song nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ hiện hữu đang đẩy châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Trận chiến chống nợ công đang trở thành trận chiến cho tương lai chính trị của lục địa già này.

Hy Lạp đối mặt với 98% nguy cơ vỡ nợ

Đối mặt với 2 vấn đề thâm hụt cùng một lúc, thâm hụt ngân sách (vượt 13% GDP năm 2010) và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai (khoảng 9% GDP, so với mức trung bình của toàn khu vực Eurozone là 1%). Nợ công lên tới gần 400 tỷ USD, trong đó riêng nợ đến hạn năm 2010 là 73 tỷ USD. Lãi suất phải trả cho các khoản vay nợ lên tới mức kỷ lục, trên 9% đối với các khoản vay có kỳ hạn. Và dù đã thực hiện những kế hoạch điều chỉnh kéo dài 3 năm, nợ công được dự báo sẽ tăng lên mức 158% GDP vào năm 2013. Ngân sách còn lại chỉ đủ để chi trả trong vài tuần nếu không được cứu trợ khẩn cấp. Nhìn vào những con số thống kê “ấn tượng” này, khó ai có thể đưa ra nhận định lạc quan Hy Lạp có thể vượt qua được nguy cơ vỡ nợ hay cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ được giải quyết “một sớm một chiều”.

Tranh biếm họa về nguy cơ bùng nổ nợ công châu Âu. Ảnh: Internet


Những nỗ lực con thoi giữa các nhà lãnh đạo thế giới, những cuộc hội đàm “chạy đua với thời gian” với hy vọng cứu được Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Chưa bao giờ châu Âu và các đối tác thế giới đồng lòng để cứu Hy Lạp như vậy, song cũng chưa bao giờ mâu thuẫn nảy sinh nhiều đến vậy. Tiến trình giải ngân, Quỹ bình ổn châu Âu (cứu các nước mắc nợ) cũng như nguồn tiền cho quỹ này… là những vấn đề khiến các bên chưa thể đi tới thống nhất. Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Hy Lạp, trong cuộc điện đàm trực tuyến hôm 14/9 quyết định vẫn muốn Hy Lạp là một thành viên không thể tách rời khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone). Các bộ trưởng tài chính châu Âu hôm 16/9 cũng nhất trí tung thêm một chiếc phao cứu sinh mới, tiếp tục giải ngân 8 tỷ euro cho Hy Lạp. Song để có được nguồn tiền cứu trợ quả không dễ dàng, một số nước thành viên châu Âu khác đã phản đối kế hoạch này khi cho rằng họ không thể cứ “làm con ong chăm chỉ để cứu con ve sầu lười biếng”. Cũng như vậy, Quỹ bình ổn châu Âu sẽ không thể tồn tại khi các nền kinh tế thành viên khác (như Italia, Tây Ban Nha) cũng trước nguy cơ “đi theo vết xe đổ” Hy Lạp. Trong bối cảnh đó, một số nước thành viên như Áo, Phần Lan, Hà Lan đòi hỏi cần có những khoản bảo đảm cho những phần đóng góp của họ trong quỹ giải cứu, điều này càng cho thấy để có tiền cứu trợ không hề dễ dàng. Việc Tòa án hiến pháp Đức chỉ cho phép chính phủ tiếp tục đóng góp vào quỹ cứu trợ trong khối với điều kiện phải được sự chấp thuận của quốc hội đã phần nào hạn chế những lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Cũng chính Đức, quốc gia cứu trợ lớn nhất, bác bỏ ý tưởng được cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lẫn nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ là phát hành trái phiếu - một giải pháp ngắn hạn để giải quyết khủng hoảng, thậm chí các chính trị gia Đức giờ đây công khai nói về việc ngừng cung cấp phao cứu sinh cho Hy Lạp và để Aten rời khỏi Eurozone.

Sự hiện diện lần đầu tiên của một vị bộ trưởng tài chính Mỹ tại cuộc họp nội bộ của các bộ trưởng tài chính đồng euro (ngày 16 và 17/9) tại Ba Lan nhằm tìm ra giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng nợ kéo dài gần 2 năm ở lục địa già đã không đem lại kết quả như người ta nghĩ. Bài phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đã khiến nhiều đồng nhiệm EU không hài lòng, vì cho rằng Mỹ đang lên lớp châu Âu. Ngoài đề xuất sử dụng Quỹ bình ổn châu Âu để mua nợ của các quốc gia đang gặp khó khăn, ông Geithner còn hối thúc châu Âu tăng thêm tiền cho quỹ khẩn cấp (hiện trị giá 440 tỉ euro), để dẹp bỏ quan ngại của thị trường rằng Eurozone không đủ tiền để cứu Tây Ban Nha và Italia khi cần. Một nước Mỹ - vốn cũng đang phải oằn lưng gánh thâm hụt ngân sách, nợ công cao kỷ lục và hiện còn vướng phải những khó khăn còn tồi tệ hơn cả Eurozone – lại thuyết giảng châu Âu về giải pháp cho cuộc khủng hoảng, quả là một điều thật kỳ dị.

Giải pháp nào cho vấn đề nợ công?

Tuyên bố của Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào châu Âu nhằm giúp lục địa này giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng nợ công cùng với hy vọng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS - gồm: Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ can thiệp vào thị trường tài chính, tiền tệ châu Âu có thể được xem là “phao cứu sinh” mới cho châu Âu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự hỗ trợ của BRICS hay bất kỳ thể chế kinh tế nào nếu có cũng chỉ giúp châu Âu làm chậm quá trình "hỗn loạn" và làm giảm tạm thời sự biến động của thị trường tài chính, bởi sự hỗ trợ từ bên ngoài không thể giải quyết cơ bản hệ thống tài chính với sự quản lý quá lỏng lẻo cùng với sự “vung tay quá trán” của các chính phủ Eurozone trong một thời gian quá dài.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Robert Zoellick nói: "Thời gian để suy ngẫm giải pháp đã hết". Các cuộc thảo luận của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Nhóm BRICS bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB trong tuần này tại Oasinhtơn (Mỹ) có lẽ là những diễn đàn chính trị cuối cùng để đưa ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Thách thức thật lớn, song nếu không có được một lời giải, cuộc khủng hoảng nợ bắt nguồn từ Hy Lạp sẽ biến thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng. Một cuộc khủng hoảng như vậy có thể nhấn chìm các nước đang mắc nợ khác ở châu Âu, dẫn tới vỡ nợ hàng loạt và đẩy khu vực này cũng như cả thế giới lại rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính mới.

Về phần châu Âu, việc cơ cấu lại hệ thống tiền tệ có thể là câu chuyện về lâu về dài, song một giải pháp chính trị cho cuộc chiến nợ công lúc này chắc chắn không phải chỉ dùng tiền đi vay để trả nợ. Giới phân tích cho rằng, ngoài phương thuốc đắng “thắt lưng buộc bụng” để cải cách kinh tế, các nước nên triển khai các gói hỗ trợ tài chính để phát triển kinh tế; chỉ có phát triển kinh tế và tăng trưởng kinh tế mới tạo ra tiền để trả được những khoản nợ trong tương lai.

Phương Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN