* IMF và EU nối lại kế hoạch kiểm toán Hy Lạp
Quốc hội các nước Đức, Síp và Extônia đã thông qua thỏa thuận mở rộng quy mô Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ euro hiện nay, tăng thêm sức mạnh cho quỹ này nhằm giúp các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tránh nguy cơ vỡ nợ do cuộc khủng hoảng nợ công.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) cùng các nghị sỹ quốc hội bỏ phiếu thông qua thỏa thuận mở rộng quy mô EFSF tại Quốc hội Đức.Ảnh: AFP/ TTXVN |
Như vậy, đến ngày 30/9 đã có 13 trong tổng số 17 nước thành viên Eurozone đồng ý tham gia kế hoạch mở rộng EFSF thông qua việc tăng phần đóng góp của các nước này cho quỹ cứu trợ khu vực. Dự kiến, ba nước thành viên còn lại của Khu vực đồng euro là Manta, Hà Lan và Xlôvakia sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua kế hoạch mở rộng quy mô của EFSF trong tháng 10. Thỏa thuận này sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được quốc hội tất cả các nước thành viên Eurozone thông qua.
EFSF được thành lập năm 2010 như là một công cụ tạm thời để hỗ trợ sự ổn định tài chính ở châu Âu bằng cách giúp đỡ các nước thành viên Eurozone giải quyết những khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu ngày càng trầm trọng kéo theo nhiều quốc gia châu Âu có nguy cơ trượt vào vết xe đổ của Hy Lạp, buộc các nhà lãnh đạo châu Âu đi đến thỏa thuận mở rộng EFSF tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 7 vừa qua.
Theo đó, hội nghị cho phép EFSF cung cấp các khoản vay cho các nước đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ để phòng ngừa khủng hoảng; mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia mắc nợ trong Eurozone trên thị trường thứ cấp; cấp tiền cho các quốc gia thành viên để tái cấp vốn cho các ngân hàng bị tác động nghiêm trọng bởi gánh nặng nợ nần. EFSF sẽ thay thế cho Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) - một quỹ cứu trợ thường trực của EU sẽ hết hạn hiệu lực vào năm 2013.
lSau khi bất ngờ tạm hoãn chuyến đi hồi đầu tháng 9 này, phái đoàn của EU, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 30/9 đã đến Hy Lạp để nối lại kế hoạch kiểm toán tài chính và kiểm tra việc thực hiện những cam kết mà Hy Lạp đưa ra để đổi lấy những khoản vay khẩn cấp từ ba thể chế này. Thời gian qua, Hy Lạp đã áp dụng nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm ổn định thâm hụt ngân sách, trong đó có cắt giảm lương và lương hưu, tăng thuế và đưa khoảng 30.000 công chức vào diện dự bị...
Hy Lạp đang cần gấp khoản giải ngân tiếp theo trị giá 8 tỷ euro trong gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro được EU và IMF nhất trí hồi năm ngoái để tránh bị vỡ nợ.
TTG