Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới ở Nhật Bản chủ yếu xảy ra trong làn sóng lây nhiễm thứ 6, trong đó số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 100.000 ca/ngày lần đầu tiên vào ngày 5/2 vừa qua, dẫn tới tổng số ca mắc COVID-19 tăng nhanh. Cụ thể, số ca mắc COVID-19 đã chạm ngưỡng 1 triệu ca vào tháng 8/2021, tức là 18 tháng sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này, nhưng chỉ 5 tháng sau đó, số ca mắc vượt ngưỡng 2 triệu ca vào ngày 20/1, tiếp tục tăng lên tới 3 triệu ca vào ngày 3/2, lên 4 triệu ca vào ngày 15/2 và 5 triệu ca vào ngày 28/2.
Riêng ngày 28/2, Nhật Bản ghi nhận thêm 51.348 ca nhiễm mới và 198 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân COVID-19 nặng giảm 21 ca so với một ngày trước đó xuống còn 1.461 người.
Trong bối cảnh đó, một số địa phương, trong đó có tỉnh Osaka, đã đề nghị chính quyền trung ương tiếp tục gia hạn áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm khi các biện pháp này hết hạn vào ngày 6/3 tới. Hiện nay, 31 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản đang nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, trong đó cho phép thống đốc các tỉnh, thành yêu cầu các nhà hàng và quán bar rút ngắn thời gian hoạt động và không phục vụ đồ uống có cồn.
Về tiêm chủng phòng COVID-19, các số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản cho thấy tính tới ngày 28/2, mới có khoảng 19,3% dân số nước này được tiêm mũi vaccine tăng cường, trong đó tỷ lệ tiêm mũi tăng cường ở người cao tuổi vào khoảng 49%. So với thời điểm cuối tháng 1/2022, khi mới có 4,5% dân số được tiêm mũi thứ 3, tốc độ tiêm chủng ở Nhật Bản đã cải thiện đáng kể, với số mũi tiêm cao nhất thực hiện trong một ngày là 930.000 mũi vào ngày 19/2. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mục tiêu của Thủ tướng Kishida Fumio là mỗi ngày tiêm 1 triệu mũi tăng cường cho người dân.
Trong bối cảnh đó, ông Takaji Wakita, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), nhấn mạnh “cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng nhằm cải thiện tình hình dịch bệnh và giảm thiểu số ca tử vong và bệnh nhân nặng”.