Nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5: Bảo vệ nguồn lực lao động là mục tiêu tối thượng

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 hằng năm là ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới, với rất nhiều hoạt động được tổ chức để vinh danh những người trực tiếp tham gia các nỗ lực phát triển kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, năm nay các hoạt động đều im ắng trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đẩy hàng triệu lao động vào tình trạng thất nghiệp, bấp bênh và đứng trước một tương lai việc làm vô định.

Chú thích ảnh
 Người tìm việc theo dõi thông tin tại một hội chợ việc làm ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong bối cảnh thành phố vừa trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do dịch COVID-19 bùng phát, ngày 21/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tới nay dịch bệnh đã khiến hơn 240.000 người thiệt mạng và hơn 3,3 triệu người trên thế giới mắc bệnh. Cùng với đó, khi các chính phủ buộc phải ban hành những biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và khiến hơn 50% dân số toàn cầu phải ở trong nhà, cũng đồng nghĩa với việc các nhà máy, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, người lao động không thể đi làm để kiếm sống hoặc phải cắt giảm giờ làm và lương.

Các thống kê sơ bộ cho thấy COVID-19 ảnh hưởng đến 80% người trong độ tuổi lao động trên thế giới. Khoảng 1,25 tỷ người lao động đối mặt với tình trạng mất việc hoặc giảm lương. Khoảng 305 triệu việc làm toàn thời gian (10,5%) đã bị cuốn phăng kể từ khi đại dịch bùng phát.

Những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất là sản xuất, dịch vụ nhà ở và thực phẩm, thương mại bán lẻ và bán sỉ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hơn 436 triệu doanh nghiệp-cơ sở kinh doanh hoặc doanh nghiệp tự thân trên toàn thế giới đối mặt với nguy cơ cao bị gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vì đại dịch. Khoảng 232 triệu công ty trong lĩnh vực bán sỉ và bán lẻ, 111 triệu công ty trong lĩnh vực sản xuất, 51 triệu công ty trong lĩnh vực dịch vụ nhà ở và thực phẩm, 42 triệu công ty trong lĩnh vực bất động sản và các hoạt động khác đang chịu tác động nặng nề.

ILO cũng cho biết khoảng 1,6 tỷ người lao động trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức, tương đương gần 50% lực lượng 3,3 tỷ lao động toàn cầu, đang đứng trước nguy cơ trực tiếp mất đi sinh kế. Do đặc thù công việc thiếu các chương trình bảo vệ an sinh, không đủ khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng và cũng không có phương tiện để làm việc tại nhà, dịch bệnh đã khiến thu nhập của khoảng 2 tỷ lao động phi chính thức sụt giảm với mức giảm trung bình toàn cầu là 60% ngay trong tháng đầu tiên khủng hoảng xảy ra ở từng khu vực. Mức giảm tương ứng tại các khu vực là 81% ở châu Phi và châu Mỹ, 21,6% ở châu Á - Thái Bình Dương, 70% ở châu Âu và Trung Á.

Hoạt động kinh tế đình trệ dẫn tới tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng ở các nước. ILO đã miêu tả đại dịch COVID-19 là "cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai", đẩy thêm ít nhất 25 triệu người vào đội quân thất nghiệp.

Ở Mỹ, tổng số người thất nghiệp, bao gồm cả đơn xin trợ cấp thất nghiệp, đã vượt quá 33 triệu, có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới 20,6% - con số cao nhất kể từ năm 1934. Theo ước tính, tổng cộng 25 triệu việc làm ở Mỹ sẽ biến mất trong cuộc khủng hoảng này, gần gấp 3 lần số người thất nghiệp trong cuộc Đại suy thoái (1929-1933). Tỷ lệ thất nghiệp ở Italy dự kiến năm nay  lên tới 11,2%, trong bối cảnh ngành du lịch, khách sạn và dịch vụ ăn uống đối mặt với sự sụt giảm doanh thu lớn nhất. Tại Pháp, hơn 10 triệu lao động trong khu vực tư nhân đã mất việc. Tại Anh, hơn một triệu người lao động đã mất việc chỉ trong 2 tuần lễ. Số người thất nghiệp đã đăng ký ở Nga dự kiến tăng gần 6 lần - lên tới 5,3 triệu người .

Châu Á được coi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng thất nghiệp do COVID-19, đe dọa đẩy 11 triệu người ở khu vực này vào cảnh đói nghèo. Tình hình mắt việc làm đặc biệt trầm trọng ở các nước Nam Á và Đông Nam Á. Theo tổ chức BofA Global Research, khoảng 7% số lao động (khoảng 20,7 triệu người) tại các 6 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á Hà Nội (ASEAN) gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam có thể mất việc làm do tác động của đại dịch COVID-19. Indonesia sẽ là nước buộc phải cắt giảm việc làm nhiều nhất với 9,4 triệu việc làm.

Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy chung những tác động này. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm, dịch bệnh COVID-19 đã khiến gần 5 triệu người lao động phải tạm nghỉ việc hoặc thất nghiệp. Từ đầu năm tới nay, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam là khoảng là 75,4% dân số (từ 15 tuổi trở lên), xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua và thấp hơn 1,2-1,3% so với quý trước và cùng kỳ các năm trước. Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo bị ảnh hưởng lớn nhất với 1,2 triệu lao động. Gần 85% doanh nghiệp Việt Nam đã bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái, ILO cảnh báo trong quý II/2020, có tới 195 triệu việc làm mất đi do virus SARS-CoV-2. Trong số đó, 125 triệu việc làm tại châu Á, 24 triệu tại Mỹ, 20 triệu tại châu Âu. Khoảng 20 triệu việc làm chính thức và phi chính thức tại châu Phi cũng bị đe dọa. ILO cũng ước tính năm 2020, thu nhập của người lao động trên thế giới sẽ giảm 3,4 nghìn tỷ USD.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder thừa nhận cuộc khủng hoảng việc làm và tất cả những hậu quả của dịch bệnh đều đang diễn biến nghiêm trọng tăng dần, đồng thời cảnh báo dịch bệnh sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói trên diện rộng do người lao động bị mất kế sinh nhai.  Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu gia tăng trong cả năm sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tình hình kinh tế thế giới trong nửa sau của năm 2020 và hiệu quả các các chính sách được áp dụng để bảo vệ việc làm và thúc đẩy nhu cầu lao động khi giai đoạn phục hồi bắt đầu.         

Để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trước những tác động của dịch bệnh, chính phủ các nước đã công bố những gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ. Mỹ đã tung ra 4 gói hỗ trợ cho các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp và người  người lao động. Các bộ trưởng tài chính châu Âu thỏa thuận về một gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro (khoảng 546 tỷ USD) để hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề, trong khi các quốc gia riêng lẻ đều đã công bố những gói cứu trợ khẩn cấp có giá trị lớn chưa từng có. Nhật Bản tung ra gói cứu trợ trị giá 108.000 tỷ yen (989 tỷ USD), tương đương với 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thái Lan đã hỗ trợ 5 nghìn Baht (153,75 USD)/người/tháng trong 3 tháng cho khoảng 9 triệu lao động tự do và phi chính thức, đồng thời dự kiến chi khoảng 144 triệu baht (4,5 triệu USD) đào tạo nghề cho 40.000 người mất việc vì dịch COVID-19.Còn Singapore thì chi trả cho người lao động thất nghiệp 800 đô la Singapore (568 UD) mỗi tháng trong 3 tháng để giúp họ tìm việc làm mới hoặc đào tạo nghề.

Sớm dự báo tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ tác động mạnh tới hoạt động doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, Chính phủ Việt Nam ưu tiên đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động như biện pháp cấp thiết giúp vực dậy nền kinh tế nói chung, thị trường lao động và doanh nghiệp nói riêng. Chính phủ đã ban hành nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng, sẽ dành cho khoảng 20 triệu người dân bị ảnh hưởng. Theo đó, người nghèo, cận nghèo, người lao động bị giãn việc, mất việc và hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ trong tối đa 3 tháng để ứng phó với dịch bệnh. Mức hỗ trợ từ 500 nghìn đến 1,8 triệu VND/tháng. Một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cũng được triển khai, trong đó có hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.       

Trong bối cảnh một số quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, ILO cho rằng các chính phủ và người sử dụng lao động cũng phải chuẩn bị môi trường làm việc và đảm bảo người lao động có thể trở lại làm việc an toàn để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh sự an toàn và sức khỏe của toàn bộ lực lượng lao động phải là mục tiêu tối thượng, khi đối mặt với dịch bệnh, việc bảo vệ người lao động chính là bảo vệ cho cả cộng đồng và đảm bảo các doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định trong tình hình mới. Để làm được điều đó chỉ có cách áp dụng các biện pháp đảm bảo các biện pháp sức khỏe và nghề nghiệp để bảo vệ tính mạng cho người lao động, cho người thân của họ và các cộng đồng, đảm bảo duy trì công việc và hoạt động của nền kinh tế.     

Bên cạnh việc, ILO khuyến cáo các nước thúc đẩy các biện pháp tái kích hoạt kinh tế theo hướng giúp tạo ra nhiều việc làm, với sự trợ giúp của các chính sách và thể chế sử dụng lao động tốt hơn, và các hệ thống bảo vệ xã hội toàn diện và chất lượng hơn. Đó là cách tiếp cận bền vững để bảo vệ nguồn lực lao động – “tài sản” quý của mọi nền kinh tế, trước những cú sốc tương tự như dịch COVID-19.

Lê Ánh (TTXVN)
Nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tại các khu tập thể của lao động nhập cư ở Singapore  
Nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tại các khu tập thể của lao động nhập cư ở Singapore  

Bộ Y tế Singapore ngày 28/4 đã xác nhận thêm 528 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 14.951 trường hợp. Đây là mức tăng hằng ngày thấp nhất trong khoảng 2 tuần qua. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN