Nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tại Nhật Bản do sự thiếu thống nhất giữa các địa phương

Chính phủ Nhật Bản và chính quyền thủ đô Tokyo vừa qua một lần nữa yêu cầu tất cả các cơ sở ăn uống dừng cung cấp đồ uống có cồn.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, sự thiếu thống nhất triển khai quy định này giữa các địa phương có thể dẫn tới tình trạng người dân di chuyển từ trung tâm Tokyo ra các tỉnh lân cận tham gia các bữa tiệc, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, một quan chức Chính phủ Nhật Bản cảnh báo dịch bệnh COVID-19 có thể sẽ vẫn lây lan nghiêm trọng, bất chấp Chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận kéo dài 6 tuần, bao trùm toàn bộ thời gian diễn ra thế vận hội Olympic Tokyo cũng như lễ hội Obon truyền thống. Lý do là sự thiếu thống nhất trong công tác triển khai biện pháp chống dịch của các địa phương.

Riêng về quy định liên quan đến cung cấp đồ uống có cồn, Chính phủ đã yêu cầu “đình chỉ về nguyên tắc” đối với việc cung cấp rượu, bia tại khu vực áp dụng các biện pháp trọng điểm phòng dịch COVID-19, nhưng chính quyền mỗi địa phương thuộc Vùng thủ đô vẫn có thể cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được cung cấp rượu bia cho khách hàng ở “mức độ hạn chế” và "có điều kiện". 

Cụ thể, tỉnh Saitama cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ rượu, bia đối với khách hàng “đi ăn một người hoặc nhóm nhưng phải cùng một gia đình; tỉnh Chiba đưa ra điều kiện khách hàng “tối đa 2 người trong một nhóm” và chỉ được phục vụ tối đa 90 phút; tỉnh Kanagawa đưa ra điều kiện “nhóm tối đa 4 người và phải cùng một gia đình”, thời gian cũng giới hạn trong 90 phút. 

Tất cả các địa phương này đều yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống phải áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch như lắp tấm chắn, quạt thông gió và khử khuẩn thường xuyên.

Như vậy, có khác biệt về việc áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 giữa Tokyo và các địa phương khác, chưa kể chính quyền khó có thể kiểm soát triệt để mức độ chấp hành các điều kiện kể trên của các cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, người dân Tokyo, vốn đang mệt mỏi vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kéo dài, có thể tìm đến địa phương lân cận để tham gia các bữa tiệc được sử dụng rượu bia, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè và lễ hội Obon truyền thống. Đây sẽ là nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh COVID-19, khiến nỗ lực ngăn chặn của Chính phủ Nhật Bản thông qua việc ban bố tình trạng khẩn cấp trở nên vô nghĩa.

Liên quan tình hình dịch bệnh COVID-19, ngày 12/7 Nhật Bản đã ghi nhận thêm 1.506 ca mắc mới, trong đó nhiều nhất vẫn là ở thủ đô Tokyo với 502 ca và 3 tỉnh lân cận là Saitama với 110 ca, Chiba 114 ca và Kanagawa 208 ca. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại nhiều địa phương khác ở Nhật Bản có sự chuyển biến khá tích cực khi chỉ ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức 1 con số và có 6 địa phương không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 nào.

Phạm Tuân (TTXVN)
Myanmar lần đầu tiên ghi nhận trên 5.000 ca mắc COVID-19 trong một ngày
Myanmar lần đầu tiên ghi nhận trên 5.000 ca mắc COVID-19 trong một ngày

Theo giới chức y tế Myanmar, nước này lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày vượt ngưỡng 5.000 ca, cụ thể là 5.014 ca ghi nhận ngày 12/7.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN