Nhưng điều này không đơn giản khi Stant quay lại công việc phục vụ tại một nhà hàng sau thời gian ngắn nghỉ sinh. Cô gần như không có thời gian cũng như không thể tìm được một chỗ riêng tư để hút sữa cho con. Cô xin được hút sữa trong phòng có khóa của quản lý, nhưng bị từ chối và phải hút sữa trong nhà vệ sinh công cộng hoặc ô tô riêng. Bất tiện là vậy, Stant vẫn tìm cách duy trì nguồn sữa quý giá cho con lâu nhất có thể và chỉ mong nhận được hỗ trợ hơn nữa cho mục tiêu nuôi con bằng sữa mẹ.
Từ lâu, các nhà khoa học đã chứng minh được lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ có chứa lượng kháng thể tự nhiên cùng với nguồn dinh dưỡng đầy đủ vitamin và khoáng chất, giống như một vaccine tự nhiên giúp bảo vệ trẻ sơ sinh hỏi nguy cơ nhiễm các virus, vi khuẩn gây hại, giúp trẻ có được một khởi đầu khỏe mạnh, giảm nguy cơ dị ứng, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp... Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng sữa mẹ có chứa HMO - dưỡng chất vàng giúp trẻ tăng đề kháng, bảo vệ sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu gần như toàn thế giới gia tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ, có thể cứu sống hơn 800.000 trẻ, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trẻ được bú sữa mẹ khỏe mạnh hơn, phát triển trí não tốt hơn và ít có nguy cơ bị thừa cân hoặc bệnh tiểu đường sau này. Tầm quan trọng của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ đã được khẳng định, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và bệnh truyền nhiễm nhiều như hiện nay.
Các nghiên cứu cũng cho thấy người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, ung thư vú và ung thư buồng trứng. Việc cho con bú giúp ngăn chặn được 20.000 ca tử vong mỗi năm ở các bà mẹ do ung thư vú. Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe. Tại những quốc gia có đa số trẻ được bú mẹ hoàn toàn, chi phí y tế sẽ thấp hơn so với những quốc gia có tỷ lệ trẻ không được bú mẹ hoàn toàn cao.
Vì những lợi ích trên, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến cáo nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 24 tháng.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy trên thế giới tỷ lệ trẻ em được hưởng quyền lợi này vẫn thấp. Chưa đến 50% số trẻ sơ sinh được bú mẹ trong 1 giờ đầu sau sinh. Theo nghiên cứu được công bố năm 2021, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng ở hầu hết các khu vực trong 2 thập niên qua nhưng vẫn ở mức 44%, thấp hơn mục tiêu toàn cầu là 50% vào năm 2025.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu 2.011 trẻ em mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời chỉ đạt 22,7% năm 2015 và 45,4% năm 2020.
Có một số lý do giải thích cho thực tế này. Nhiều trẻ không được bú mẹ sớm do trẻ bú kém, cơ địa của mẹ không có hoặc ít sữa, mẹ đẻ mổ, các bà mẹ không được hỗ trợ đầy đủ để cho con bú ngay sau khi sinh, không được các nhân viên y tế hướng dẫn, hỗ trợ tại các cơ sở y tế. Trong giai đoạn tiếp theo nuôi con bằng sữa mẹ, quyết định của người mẹ phần nhiều bị ảnh hưởng bởi việc các sản phẩm sữa công thức được tiếp thị rầm rộ là thực phẩm thay thế sữa mẹ, trong khi nhiều người không có điều kiện cho con bú khi đã quay trở lại làm việc .
Tình trạng thiếu sữa công thức xảy ra gần đây tại Mỹ do gián đoạn nguồn cung trong đại dịch COVID-19 và lo ngại sữa nhiễm khuẩn tại một cơ sở sản xuất đã cho thấy sự phụ thuộc của người Mỹ vào sữa công thức. Mặc dù 84% trẻ sơ sinh ở Mỹ bắt đầu được bú sữa mẹ, nhưng chỉ 1/4 được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng. Hoạt động quảng cáo và tiếp thị mạnh của các nhà sản xuất sữa công thức đã làm suy yếu vai trò của nuôi con bằng sữa mẹ và ảnh hưởng đến quyết định sử dụng sữa công thức của các bà mẹ mới sinh. Vì thế, Mỹ có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp hơn so với hầu hết các nước công nghiệp phát triển khác .
Mới đây, Văn phòng WHO về phòng ngừa và kiểm soát các căn bệnh không lây nhiễm (NCD) khu vực châu Âu đã soạn thảo một đạo luật “hình mẫu” để chấm dứt việc tiếp thị không phù hợp các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong khu vực. Tập đoàn Nestle, công ty sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới, cũng tuyên bố từ cuối năm 2022 sẽ ngừng quảng cáo sữa công thức cho trẻ dưới 6 tháng tuổi trên khắp thế giới. Hiện Nestle không quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng này cho trẻ dưới 12 tháng tuổi tại 163 nước.
Ủy ban Nuôi con bằng sữa mẹ của Mỹ đã kêu gọi chính phủ đưa ra các quy định chặt chẽ hơn, đồng thời tăng cường mạng lưới quốc gia gồm các ngân hàng sữa tài trợ phi lợi nhuận cùng những chính sách như nghỉ phép vẫn được hưởng lương. Đây là một trong những cách giải tỏa áp lực cho các bà mẹ muốn tiếp tục cho con bú sữa mẹ sau khi quay lại với công việc nhưng gặp nhiều khó khăn, do đặc thù công việc không thể cho con bú thường xuyên, cơ sở vật chất thiếu thốn và thời gian nghỉ ít ỏi tại nơi làm việc, hành vi quấy rối hoặc kỳ thị những phụ nữ cho con bú tại nơi công cộng. Hiện tất cả 50 bang, thủ đô Washington, vùng lãnh thổ Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ đều có luật đặc biệt cho phép phụ nữ cho con bú ở bất kỳ địa điểm công cộng hoặc tư nhân nào.
Nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ, từ năm 1992, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức thường niên từ ngày 1-7/8. Năm nay, sự kiện được khoảng 170 quốc gia hưởng ứng, xoay quanh chủ đề “Giáo dục và hỗ trợ - đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ". Theo đó, các nước sẽ tập trung đẩy mạnh tính bền vững và liên tục của việc nuôi con bằng sữa mẹ nhằm bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. UNICEF và WHO kêu gọi các chính phủ tăng cường phân bổ các nguồn lực để bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ các chính sách và chương trình nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt cho những gia đình dễ bị ảnh hưởng nhất đang sinh sống trong tình trạng khẩn cấp như ở Afghanistan, Yemen, vùng Sừng châu Phi, Sahel.
Việc cho trẻ bú mẹ cũng giống như tiêm vaccine cho trẻ, đóng vai trò là “lá chắn” bảo vệ trẻ từ khi lọt lòng. Công tác bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ bảo đảm sự tồn tại và phát triển của hàng triệu trẻ sơ sinh, mà trên hết là bảo vệ quyền của trẻ em được hưởng nguồn dưỡng chất, cũng là nguồn vaccine hoàn toàn tự nhiên và bền vững.