Hàng trăm người Pakixtan ngày 29/11 đã kêu gọi chính phủ nước này chấm dứt quan hệ đồng minh với Mỹ và rút khỏi cuộc chiến chống mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda để phản đối vụ không kích qua biên giới của NATO ngày 26/11 khiến 24 binh sĩ Pakixtan thiệt mạng. Đây là ngày thứ ba nổ ra những hoạt động phản đối mạnh mẽ Mỹ và NATO ở Pakixtan.
Người dân ở Karachi biểu tình phản đối Mỹ và NATO. Ảnh: THX - TTXVN |
Đông đảo dân chúng từ các tầng lớp xã hội, luật sư, thương nhân và sinh viên đã tổ chức các cuộc tuần hành tại các thành phố lớn của Pakixtan, nơi tâm trạng phản đối Mỹ đang dâng cao. Cảnh sát cho biết, khoảng 200 luật sư đã phong tỏa đoạn đường quốc lộ tại trung tâm tài chính Karachi và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ quân đội Pakixtan.
Cùng ngày, Pakixtan đã quyết định tẩy chay Hội nghị quốc tế về tương lai Ápganixtan, dự kiến diễn ra tại Bonn (Đức) ngày 5/12, để phản đối vụ không kích của NATO, khiến dư luận lo ngại về sự thành công của hội nghị khi thiếu vắng một thành phần chủ chốt. Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính phủ Pakixtan cho biết, quyết định này được đưa ra trong cuộc họp nội các ở Lahore và các thành viên nội các đều nhất trí rằng, “những hành động đơn phương” như vụ không kích mới đây và vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi đầu tháng 5 vừa qua là “không thể chấp nhận được”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN ngày 29/11, Thủ tướng Pakixtan Yousuf Raza Gilani cũng nêu rõ, Pakixtan sẽ đánh giá lại các thỏa thuận với NATO và Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Ápganixtan (ISAF) đồng thời quan hệ với Mỹ cũng chỉ có thể tiếp tục nếu có sự tôn trọng lẫn nhau và cùng vì lợi ích chung.
Ông Gilani cho rằng lúc này Pakixtan "không nhận được sự tôn trọng từ Mỹ". Ông nói rằng, những vụ việc như cuộc không kích vừa qua hay vụ tiêu diệt Bin Laden là những minh chứng về sự vi phạm chủ quyền của Pakixtan. Theo ông, Pakixtan muốn duy trì quan hệ với Mỹ chừng nào có sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng chủ quyền của Pakixtan.
Nga và Trung Quốc đã bày tỏ sự quan ngại về vụ việc. Trung Quốc cho biết nước này "thực sự sốc" sau khi biết tin về vụ không kích khiến 24 binh sĩ Pakixtan thiệt mạng, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới Pakixtan. Trong cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Pakixtan Hina Rabbani Khar, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định: "Mọi quốc gia và tổ chức quốc tế phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakixtan". Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã đăng bài bình luận cáo buộc Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế và làm gia tăng chủ nghĩa khủng bố. Bài viết có đoạn: "Sự việc cho thấy Mỹ không hề ngần ngại vi phạm chủ quyền của quốc gia khác để đảm bảo an ninh cho riêng mình". Trong khi đó, Nga cho rằng vi phạm chủ quyền dân tộc là điều không thể chấp nhận được, ngay cả khi vi phạm trong quá trình truy lùng lực lượng khủng bố.
Cùng ngày, bà Catherine Ashton, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) nói sẽ ủng hộ Pakixtan và NATO trong quá trình điều tra sự việc, đồng thời cam kết cùng Pakixtan theo đuổi mục tiêu chung là thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Ngày 29/11, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, chịu trách nhiệm giám sát các lực lượng Mỹ tại khu vực Trung Đông và Ápganixtan, đã chỉ định Chuẩn tướng Stephen Clark từ Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt của Không quân Mỹ tại Florida đứng đầu nhóm điều tra về các vụ không kích trên của NATO. Theo một số quan chức, đại diện của các chính phủ Pakixtan và Ápganixtan cũng sẽ được mời tham gia tiến trình điều tra. Kết quả điều tra sơ bộ sẽ được công bố vào ngày 23/12 tới.
TTG – TD