Người chăn nuôi lợn tại Mỹ lao đao vì dịch COVID-19

Sau khi hứng chịu tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc cùng tình trạng thiếu công nhân, người nông dân chăn nuôi lợn ở Mỹ đã đặt nhiều kỳ vọng vào năm nay khi giá cả tăng cao nhờ nhu cầu trong và ngoài nước gia tăng mạnh mẽ. Nhưng dịch viêm đường hô hấp COVID-19 xuất hiện và làm sụp đổ niềm hy vọng vừa lóe lên của họ.

Ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương

Chú thích ảnh
Người chăn nuôi lợn tại Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho tất cả các nhà sản xuất thịt tại Mỹ, nhưng người chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Họ bước vào mùa Xuân năm 2020 trong điều kiện tài chính yếu vì các tranh chấp thuế quan đã làm giảm đáng kể doanh số bán thịt cho thị trường Trung Quốc và Mexico. Nhiều nơi lại phải chật vật để có đủ công nhân, một phần do chính sách nhập cư liên bang.

Sau đó, nhu cầu về thịt lợn lại sụt mạnh vì dịch COVID-19 đã buộc các nhà hàng, khách sạn và các doanh nghiệp khác buộc phải đóng cửa, trong khi đây là nhóm mua khoảng 25% thịt lợn được sản xuất tại Mỹ.

Việc đóng cửa các nhà hàng, khách sạn để ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 tại Mỹ đã gây thiệt hại ước tính khoảng 5 tỷ USD cho ngành sản xuất thịt lợn và khiến hàng triệu con lợn nuôi nhốt trong các trang trại giờ đây không còn giá trị.

Một số nông dân đã thậm chí phải “an tử” lợn con, vì doanh số giảm mạnh đồng nghĩa với việc không có chỗ để giữ thêm vật nuôi trong điều kiện cơ sở vật chất đang ngày càng trở nên chật chội.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nữa khi các lò giết mổ khổng lồ vốn có thể xử lý trên 20.000 con lợn mỗi ngày phải đóng cửa tạm thời khi dịch COVID-19 lây lan giữa các công nhân. Trong giai đoạn bình thường, ngành công nghiệp này xử lý từ 10 - 12 triệu con lợn mỗi tháng.

Khi người chăn nuôi gia cầm có thể “giảm tốc” hoạt động sản xuất bằng cách không ấp nở gà con và người chăn nuôi những gia súc như bò có thể giữ vật nuôi trên đồng cỏ lâu hơn, người chăn nuôi lợn không có lựa chọn nào khả thi. Những con lợn được nuôi trong chuồng với không gian hạn chế và người nông dân cần có thời gian để ngăn chặn chu kỳ sinh sản của lợn trưởng thành.

Người nông dân chăn nuôi lợn đã được Chính phủ Mỹ cho phép tăng số lượng lợn họ có thể nuôi trong chuồng vượt quá giới hạn cho phép thông thường. Tuy nhiên, những người nông dân không có thêm không gian chăn nuôi vẫn sẽ đối mặt với viễn cảnh phải “an tử” những con lợn con mà họ không đủ khả năng để nuôi lớn.

Lời kêu cứu khẩn thiết

Chú thích ảnh
Thịt được bày bán tại một siêu thị ở New York của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Howard Roth, Chủ tịch Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia Mỹ (NPPC), cho biết ngành này đang gặp khủng hoảng và cần sự can thiệp của Chính phủ ngay lập tức để duy trì ngành nông nghiệp thiết yếu cho nguồn cung cấp thực phẩm của quốc gia.

NPPC đã kêu gọi Chính phủ liên bang mua lượng thịt lợn trị giá 1 tỷ USD trong kho lạnh vốn được định sẵn cho các nhà hàng và chuyển chúng cho các ngân hàng thực phẩm, nơi vốn đang giúp đỡ cho nhiều người bị mất việc vì phần lớn nền kinh tế đã ngừng hoạt động.

Ông Roth cho biết việc thu mua trên hy vọng sẽ giúp “khơi thông” nguồn cung thịt lợn đang dư thừa và giúp tăng giá lợn hơi.

Ngoài ra, ông Nick Giordano, Phó Chủ tịch NPPC, cho biết bên cạnh việc yêu cầu Chính phủ Mỹ mua thịt lợn, tổ chức này muốn giúp các doanh nghiệp nông nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình cho vay liên bang liên quan tới tình trạng thảm họa kinh tế.

Vào thứ Sáu tuần trước (17/4), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo sẽ chi 3 tỷ USD để mua các sản phẩm tươi, sữa và thịt rồi gửi chúng đến các ngân hàng thực phẩm. USDA cũng cho biết họ đã lên kế hoạch thanh toán trực tiếp 1,6 tỷ USD cho người chăn nuôi lợn với giới hạn 250.000 USD cho mỗi cá nhân.

Ông Roth đánh giá cao khoản hỗ trợ trên, nhưng đồng thời nói rằng nó không đủ để giải quyết các khó khăn của ngành này.

Trong khi đó, mặc dù không phủ nhận các khó khăn của ngành, một số người nông dân nuôi lợn độc lập nói rằng dịch COVID-19 đã cho thấy ngành chăn nuôi này tại Mỹ quá phụ thuộc vào một số tập đoàn quốc tế lớn để giám sát mọi thứ, từ giai đoạn nuôi đến nhà máy chế biến, thậm chí tiếp thị và bán hàng. Một số người cho rằng hệ thống này thực chất khá mong manh vì nó cần mọi yếu tố phải vận hành đúng quy trình.

H.Thủy/TTXVN (Theo Reuters)
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 21/4: Thế giới trên 170.000 ca tử vong, nước Mỹ vượt 42.000 ca
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 21/4: Thế giới trên 170.000 ca tử vong, nước Mỹ vượt 42.000 ca

Trong vòng 24h qua, tính tới 6h sáng 21/4, thế giới đã ghi nhận thêm gần 70.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 5.000 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 2,47 triệu người và trên 170.000 ca tử vong, trong đó số ca tử vong tại Mỹ vượt qua ngưỡng 40.000 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN