Nước Nga - một trong những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu khoa học cũng đang chú trọng đến những đột phá mới trong lĩnh vực hạt nhân hoà bình, trong đó có việc hợp tác với các đối tác nước ngoài. Trường Đại học Nghiên cứu hạt nhân quốc gia MEPhI - một trong những trung tâm nghiên cứu và đào tạo lớn nhất nước Nga tổ chức chương trình báo chí quốc tế tại Moskva từ ngày 19-22/11.
Tháng 9 vừa qua, Biên bản ghi nhớ về hợp tác triển khai công tác thông tin truyền thông đối với dự án Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân đã được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phạm Công Tạc và Tổng Giám đốc Tập đoàn quốc gia về Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga “Rosatom” Likhachev ký tại thành phố Sochi trước sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các hoạt động hợp tác bao gồm: Phổ biến kiến thức về năng lượng nguyên tử và thông tin cho công chúng về các công nghệ điện hạt nhân hiện đại; tuyên truyền về các ứng dụng năng lượng nguyên tử trong việc bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững; xây dựng các chương trình thông tin cho công chúng về các công nghệ điện hạt nhân hiện đại và ứng dụng năng lượng nguyên tử, tổ chức các sự kiện dành cho công chúng trong các giai đoạn thực hiện của Dự án; thực hiện các dự án xã hội và giáo dục.
Tại MEPhI, Phó giám đốc của Viện vật lý học và kỹ thuật hạt nhân thuộc Trường đại học nghiên cứu hạt nhân quốc gia MEPhI ông Georgiy Tikhomirov đã giới thiệu về trường và cho biết: Năm 2016, MEPhI được đưa vào top 50 trường đại học BRICS do QS (Anh Quốc) tiến hành và nằm trong top 20 trường đại học của các nền kinh tế đang nổi. Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục của MEPhI nằm trong bảng xếp hạng trường đại học thế giới một số năm liên tiếp.
Năm 2017, MEPhI được vinh danh là trường đại học công nghệ được yêu thích nhất tại Nga do dự án Social Navigator tiến hành. Từ năm 2015, Trường đã lọt vào top 3 trong bảng xếp hạng RAEX các trường đại học của Nga. MEPhI có 190 chương trình nghiên cứu dành cho sinh viên quốc tế với hơn 150 sinh viên đến từ 57 quốc gia. Trường có hơn 200 giảng viên nước ngoài.
Trong chương trình báo chí quốc tế, đoàn đã đến thăm các phòng thí nghiệm, những cơ sở nghiên cứu vốn “đóng kín” đối với đa số như: Phòng thí nghiệm Nano - Kỹ thuật sinh học; Trung tâm Lazer; Trung tâm Nano; Phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân thử nghiệm, nơi ngày ngày diễn ra các thí nghiệm, thử nghiệm chưa từng được biết đến trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân sử dụng cho mục đích hòa bình.
Trong khuôn khổ chương trình báo chí quốc tế còn có chuyến thăm quan cơ sở đặt máy gia tốc hạt siêu dẫn trên cơ sở máy gia tốc siêu dẫn nuclotron (NICA) ở Dubna, một trong những trung tâm nghiên cứu hạt nhân hàng đầu thế giới của Nga. Siêu dự án NICA được khởi động từ năm 2017, với mục tiêu xây dựng một máy gia tốc siêu dẫn gia tốc các hạt ion của các nguyên tố nặng, qua đó “nghiên cứu các khối vật chất phức tạp hơn”. Cơ sở tại Dubna là nơi duy nhất trên thế giới có khả năng tái tạo lại hiện tượng vụ nổ Big Bang hình thành nên vũ trụ. Với dự án máy gia tốc hạt siêu dẫn NICA, Nga có thể giành vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực vật lý năng lượng cao.
Dù tới năm 2019 mới dự kiến hoàn thành nhưng hiện tại, đã có hơn 16 viện nghiên cứu Nga và 79 viện nghiên cứu thuộc 30 quốc gia trên thế giới đã đăng ký tham gia NICA.