Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn Interfax dẫn lời một Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết nước này và Ukraine đang tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán sâu rộng theo hình thức trực tuyến. Cùng ngày 5/4, Tổng thống Ukraine Zelenskiy nhấn mạnh Kiev và Moskva sẽ không thể thống nhất tất cả các quan điểm ngay một lúc, nhưng cần tháo gỡ những điểm bất đồng.
Nga và Ukraine đã trải qua nhiều vòng đàm phán trực tiếp và trực tuyến. Ngày 29/3, các phái đoàn của Nga và Ukraine đã đàm phán trực tiếp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khoảng 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Moskva tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai bên.
Cùng ngày 5/4, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết nước này sẽ trục xuất khoảng 25 nhà ngoại giao Nga, sau các động thái tương tự của Đức và Pháp. Phản ứng trước quyết định của một số nước châu Âu trục xuất các nhà ngoại giao Nga, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết đây là một động thái "thiển cận", sẽ chỉ làm phức tạp thêm mối liên lạc vốn cần thiết để tìm ra một giải pháp.
Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: "Việc thu hẹp các cơ hội cho liên lạc ngoại giao trong môi trường khủng hoảng khó khăn chưa từng có như vậy là một động thái thiển cận, sẽ làm phức tạp thêm liên lạc của chúng ta vốn cần thiết để tìm ra một giải pháp". Ông Peskov nhấn mạnh việc này chắc chắn sẽ dẫn tới những biện pháp trả đũa (của Nga).
Italy, Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Nga trước đó cùng ngày. Pháp và Đức đã có động thái tương tự ngày 4/4.