Phát biểu tại cuộc họp báo tại thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng việc Mỹ rút khỏi nhiều thỏa thuận và tổ chức quốc tế "không chỉ là hành động xảy ra một lần mà là một chính sách, hệ thống và chiến lược: từ bỏ tất cả các thỏa thuận quy định những nghĩa vụ mà Mỹ phải tuân theo, dù cho những điều này chỉ đơn thuần yêu cầu Mỹ hợp tác và tìm ra giải pháp cùng được chấp nhận".
Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (LHQ), Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như phần lớn hiệp ước về kiểm soát vũ khí và sự ổn định chiến lược. Theo ông, Mỹ - với vai trò là cường quốc đứng đầu thế giới - có thể góp phần tích cực cho các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong nhiều phương hướng, nơi cần có sự phối hợp. Tuy nhiên, Mỹ lại chọn một con đường khác, đó là từ bỏ mọi định dạng cho phép sự phối hợp với nhau.
Đề cập tới những chỉ trích gần đây của Mỹ nhằm vào WHO, Ngoại trưởng Nga khẳng định tổ chức này là cơ chế đi đầu nhằm huy động các nỗ lực quốc tế chống lại các dịch bệnh, bao gồm cả đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay. Nga không thấy có căn cứ cho những cáo buộc nhằm vào WHO, đồng thời tin rằng WHO đã hoạt động hoàn toàn phù hợp với vai trò của mình.
Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng việc Mỹ đe dọa tăng cường các biện pháp trừng phạt tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức cho thấy sự can thiệp vào công việc của các quốc gia có chủ quyền.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva trông cậy vào sự hậu thuẫn của Đức đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, bất chấp sức ép chưa từng có của Mỹ. Bà Zakharova nói: "Chúng tôi mong muốn được Chính phủ Đức hỗ trợ thêm dự án. Chúng tôi tin rằng tất cả những người tham gia có thể hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng, và tất cả các quốc gia quan tâm đến đường ống khí đốt mới sẽ bày tỏ ý chí chính trị cần thiết để xúc tiến hoạt động cung cấp năng lượng tin cậy, chiến lược này cho sáng kiến thống nhất châu Âu".
Trong khi đó, Nghị sĩ Klaus Ernst, người đứng đầu Ủy ban Năng lượng Quốc hội Đức, đã đề xuất trừng phạt các Thượng nghị sĩ Mỹ khởi xướng các biện pháp trừng phạt mới đối với Dòng chảy phương Bắc 2, cho rằng đây sẽ là "phương án cuối cùng". Ông Ernst cho biết Đức có thể đưa ra các hình phạt đối với khí đốt của Mỹ, trong trường hợp Washington tiếp tục gây sức ép với dự án trên.