Theo thông báo ngày 16/11 của Roche, FDA đã "bật đèn xanh" cấp phép sử dụng khẩn cấp phương pháp xét nghiệm này, qua đó giúp đẩy nhanh việc bán các bộ xét nghiệm nhằm phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ.
Phương pháp xét nghiệm trên nhắm vào 2 vùng khác nhau trong bộ gene của virus gây bệnh đậu mùa khỉ ít có khả năng đột biến nhất, qua đó có thể phát hiện virus nếu xảy ra hiện tượng đột biến. Roche cho biết xét nghiệm của hãng sẽ giúp người dân không cần phải làm các xét nghiệm bổ sung hoặc cách ly không cần thiết, đồng thời đảm bảo người dân có thể sớm tiếp cận phương pháp điều trị phù hợp.
Roche là một trong những nhà sản xuất đầu tiên phát triển các xét nghiệm nhằm phát hiện bệnh đậu mùa khỉ. Hãng này trước đây cũng là đơn vị nhanh chóng sản xuất các bộ sinh phẩm xét nghiệm PCR sàng lọc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi đột ngột lan rộng ngoài khu vực Tây Phi, bệnh đậu mùa khỉ đã khiến 36 người tử vong trong tổng số trên 77.000 người mắc tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đợt bùng phát này chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, kể từ khi tăng lên mức đỉnh vào tháng 7 năm nay, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đang liên tục giảm, đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ - những khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn đầu căn bệnh này bùng phát toàn cầu.
Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da. Những người mắc bệnh có thể lây truyền cho người khác khi đã xuất hiện các triệu chứng. Virus lây lan qua chất dịch cơ thể (mủ hoặc máu từ các tổn thương da) và các vật dụng mà người mắc bệnh sử dụng.