Ngày 26/7, đại diện nhóm các bang và vùng lãnh thổ trên đã gửi đơn phản đối việc Tòa án liên bang ở bang South Carolina trước đó đã thông qua thỏa thuận dàn xếp nói trên. Theo đó, thỏa thuận này cho phép 3M Co dùng số tiền hơn 10 tỷ USD trong 13 năm để hỗ trợ các thành phố, thị trấn và các cơ quan quản lý nước công cộng đánh giá và xử lý mức độ ô nhiễm đất và nước ngầm địa phương mà polyfluoroalkyl (PFAS) - một loại "hóa chất vĩnh cửu" do tập đoàn sản xuất - là thủ phạm.
Trong đơn, các bang lập luận rằng số tiền trong thỏa thuận không đủ để bồi thường thiệt hại và bồi thường mức độ ô nhiễm mà những loại hóa chất vĩnh cửu gây ra. Do đó, 3M Co chưa thực hiện hết được trách nhiệm của mình. Phòng Thương mại Mỹ ước tính chi phí để xử lý nước bị ô nhiễm trong các hệ thống nước công cộng trên toàn quốc lên tới hơn 17 tỷ USD. Ngoài ra, các bang này cũng cho rằng thỏa thuận dàn xếp có thể là tiền đề làm thay đổi trách nhiệm pháp lý mà 3M Co phải gánh chịu đối với những vụ việc trong tương lai liên quan đến vấn đề sức khỏe cộng đồng do những "hóa chất vĩnh cửu" gây ô nhiễm hệ thống nước công cộng.
Trong một thông báo, một phát ngôn viên của 3M Co nói rằng tập đoàn sẽ tiếp tục "làm việc trên tinh thần hợp tác" với chính quyền các thành phố, thị trấn và các cơ quan quản lý nước công cộng để giải quyết những quan ngại liên quan đến thỏa thuận dàn xếp vốn được công bố hôm 22/6 vừa qua. Tuy nhiên, 3M Co không thừa nhận trách nhiệm pháp lý trong thỏa thuận dàn xếp. Thỏa thuận cũng không đề cập đến những bồi thường liên quan đến thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về sức khỏe con người do nước ô nhiễm PFAS gây ra. Tháng trước, tập đoàn này chỉ nói rằng khoản tiền dàn xếp trên sẽ giúp hỗ trợ xử lý nước tại các hệ thống nước công cộng bị nhiễm PFAS "ở mọi cấp độ". Hiện 3M Co đang đối mặt với hàng nghìn vụ kiện liên quan đến việc PFAS gây ô nhiễm đất và nước ngầm địa phương.
Được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” do không dễ phân hủy trong cơ thể người hay môi trường, PFAS được sử dụng trong một loạt sản phẩm, từ bọt cứu hỏa đến mỹ phẩm. Hợp chất này được cho là có liên quan đến bệnh ung thư, rối loạn nội tiết tố và hủy hoại môi trường. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho rằng PFAS là một "vấn đề cấp bách đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng". Trong vài năm gần đây, EPA đã siết chặt các quy định đối với PFAS. Hồi tháng 3, cơ quan này đã đưa ra quy định mang tính lịch sử yêu cầu kiểm soát nồng độ của một số "hóa chất vĩnh cửu" PFAS trong nước uống tại nước này.