Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 5/8, theo giờ địa phương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mathew Miller cho biết: “Chúng tôi được thông báo rằng Thủ tướng Hasina đã từ chức và rời khỏi Bangladesh. Chúng tôi đang theo dõi tình hình một cách cẩn thận. Mỹ sát cánh cùng người dân Bangladesh”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế, không tiếp tục các hành vi bạo lực.
Theo ông Miller, quá nhiều sinh mạng đã mất đi trong suốt nhiều tuần qua và phía Mỹ xin chia buồn sâu sắc nhất với những người đã mất đi người thân cũng như những người đang phải chịu đau khổ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi hoan nghênh thông báo về một chính phủ lâm thời và kêu gọi mọi quá trình chuyển đổi phải được tiến hành theo luật pháp Bangladesh”.
Về phần mình, theo hãng tin Reuters, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh rằng Mỹ “khuyến khích tất cả các bên kiềm chế bạo lực và khôi phục hòa bình nhanh nhất có thể”.
Xem video người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mathew Miller nói về tình hình Bangladesh trong cuộc họp báo ngày 5/8/2024. Nguồn: Reuters
Tuyên bố của giới chức Mỹ được đưa ra sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina của Bangladesh ngày 5/8 đã từ chức và chạy trốn khỏi đất nước trên một chiếc trực thăng C-130 của không quân nước này.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình cùng ngày, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, tướng Waker-Uz-Zaman đã xác nhận thông tin trên và cho biết thêm một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập.
Tướng Waker-Uz-Zaman nói rằng quân đội sẽ sớm gặp Tổng thống để thảo luận kỹ việc thành lập chính phủ lâm thời, đồng thời nhấn mạnh không cần áp đặt giới nghiêm hay ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tướng Waker-Uz-Zamancũng kêu gọi những người biểu tình hợp tác và chấm dứt mọi hành động bạo lực.
Xem video người biểu tình Bangladesh xông vào dinh thự chính thức của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina ở thủ đô Dhaka. Nguồn: Reuters
Bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, sinh viên Bangladesh đã xuống đường biểu tình phản đối hệ thống hạn ngạch việc làm của chính phủ.
Các cuộc biểu tình đó khởi nguồn trong ôn hoà, nhưng sau đó đã leo thang thành một chiến dịch nhằm lật đổ Thủ tướng Sheikh Hasina, người đã giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp vào tháng 1 vừa qua sau khi đảng Liên đoàn Awami Bangladesh (AL) cầm quyền của bà giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử bị phe đối lập tẩy chay.
Ngày 16/7, những người biểu tình là sinh viên bắt đầu đụng độ với các quan chức an ninh và các nhà hoạt động ủng hộ chính phủ, khiến chính quyền phải giải tán bằng hơi cay, bắn đạn cao su và áp đặt lệnh giới nghiêm với lệnh bắn chết tại chỗ.
Hãng tin AP ngày 5/8 cho biết vào cuối tuần qua, các cuộc đụng độ bạo lực ở Bangladesh đã bùng phát trở lại và hôm 4/8 trở thành ngày chết chóc nhất khi ít nhất 95 người đã thiệt mạng còn nếu tính từ tháng 7 tới nay thì đã có gần 300 người thiệt mạng.