Mỹ, Iran không lạc quan về đàm phán tại Vienna

Ngày 17/2, một ngày trước khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) bắt đầu cuộc đàm phán chính thức đầu tiên tại Vienna (Áo), một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ thừa nhận tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài nhằm hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi nhiều thập kỷ qua của Iran là không dễ dàng.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu với báo giới tại Vienna, một quan chức Nhà Trắng thừa nhận cuộc đàm phán cấp cao trong tuần này giữa nhóm P5+1 với Iran là sự khởi đầu cho một tiến trình “sẽ phức tạp, kéo dài, đầy khó khăn và chưa có gì chắc chắn là sẽ thắng lợi”. Đây là cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa nhóm P5+1 với Iran kể từ khi hai bên ký thỏa thuận hạt nhân sơ bộ ngày 24/11 năm ngoái. Mỹ không hy vọng vòng đàm phán chính thức đầu tiên này sẽ nhanh chóng đạt kết quả, thậm chí trong một tháng.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề chính trị Wendy Ruth Sherman (phải) tới dự cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 với Iran tại Vienna ngày 17/2. Ảnh: AFP/TTXVN


Giới lãnh đạo Iran cũng không tỏ ra lạc quan về tiến trình này. Lãnh tụ tinh thần Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei dự đoán các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ không "đi đến đâu". Giới phân tích cho rằng nhận định của ông Khamenei là một lời cảnh báo gửi đến Washington về nguy cơ đàm phán thất bại.

Bình luận trên trang web riêng "Khamenei.ir", Đại giáo chủ Khamenei viết: "Một số quan chức của chính phủ tiền nhiệm cũng như các quan chức thuộc chính phủ đương nhiệm cho rằng vấn đề sẽ được giải quyết nếu họ đàm phán về vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, một lần nữa tôi nhắc lại rằng tôi không lạc quan về các cuộc đàm phán và những hoạt động này sẽ không đi đến đâu, song tôi không phản đối tiến hành việc này".

Ông Khamenei cho rằng vấn đề hạt nhân của Iran chỉ là một cái cớ của Mỹ và Washington sẽ không chấm dứt sự thù địch đối với Tehran. Bên cạnh đó, Mỹ muốn đưa vấn đề nhân quyền và yêu cầu Iran giải đáp những thắc mắc liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo vào thỏa thuận toàn diện. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã khẳng định đó là các chủ đề không liên quan và sẽ không được đưa ra thảo luận trong tiến trình đàm phán này. Ngoại trưởng Iran đã kêu gọi các bên cùng thể hiện “quyết tâm chính trị” để đàm phán thành công.

Trước đó, ngày 16/2, nhà đàm phán hạt nhân của Iran Hamid Baeedinejad đã tiết lộ nội dung đàm phán sắp tới giữa Tehran với các cường quốc, theo đó sẽ tập trung vào các máy ly tâm tiên tiến và lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak đang trong quá trình thi công. Phương Tây lo ngại lò phản ứng Arak vì Tehran có thể chiết xuất plutoni từ nhiên liệu đã được sử dụng ở lò này nếu họ xây dựng một cơ sở tái chế nhiên liệu hạt nhân. Việc này mở ra khả năng sản xuất bom hạt nhân từ plutoni, bên cạnh việc sản xuất bom từ urani. Trước đó, trong một thỏa thuận hồi tháng trước, Iran đã đồng ý không xây dựng cơ sở tái chế nhiên liệu hạt nhân, đồng thời cam kết không thúc đẩy tiến độ tại các lò phản ứng hạt nhân Arak, Fordo và Natanz.



Theo kế hoạch, vòng đàm phán chính thức tại Vienna sẽ kéo dài trong vài ngày, do Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton chủ trì. Ngoại trưởng Iran Zarif và Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi sẽ tham gia đàm phán. Trong vài tháng tới, Nhóm P5+1 và Iran dự kiến sẽ còn có một số vòng đàm phán khác.


TTXVN/Tin tức
Những thủ đoạn 'bẩn' trên chính trường Mỹ
Những thủ đoạn 'bẩn' trên chính trường Mỹ

Lee Atwater là chuyên gia thực hiện thủ đoạn chính trị. Ông khởi đầu “sự nghiệp” ở bang quê nhà của mình là South Carolina, làm việc trong chiến dịch ứng cử Thượng viện năm 1978 cho nhân vật nổi tiếng là phân biệt chủng tộc, Strom Thurmond.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN