Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, hai máy bay C-17 của Không quân Mỹ đã vận chuyển và thả số hàng hỗ trợ trên cho người dân Bắc Gaza, với sự tham gia của lực lượng đặc biệt hỗ trợ không vận.
Tuyên bố của CENTCOM nêu rõ các đợt thả hàng viện trợ nhân đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ là một phần nỗ lực của Chính phủ Mỹ và các quốc gia đối tác nhằm giảm bớt đau khổ cho người dân Palestine ở Gaza. Tuyên bố nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục lên kế hoạch cho những đợt thả hàng viện trợ tiếp theo.
Mỹ bắt đầu thả thực phẩm viện trợ xuống Gaza từ ngày 2/3, mỗi đợt cung cấp hàng chục nghìn suất ăn. Tuy nhiên, số người cần viện trợ ở Gaza lớn hơn nhiều so với số lượng hàng viện trợ có thể được cung cấp bằng đường hàng không. Ngày 7/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quân đội nước này sẽ thành lập một cảng tạm thời ngoài khơi bờ biển Gaza để cung cấp thêm viện trợ tới đây. Lầu Năm Góc cho biết việc xây cảng sẽ đòi hỏi phải huy động hơn 1.000 binh sĩ Mỹ trong khoảng 60 ngày.
Liên quan đến tình hình nhân đạo ở Gaza, các nguồn thạo tin ngày 30/3 tiết lộ chiếc tàu thứ hai chở hàng viện trợ đến Dải Gaza đã khởi hành từ CH Cyprus, hơn 2 tuần sau khi chuyến hàng gần nhất đến khu vực này bằng đường biển.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, hai tổ chức từ thiện gồm World Central Kitchen và Open Arms thông báo gần 400 tấn hàng viện trợ đang trên đường tới Dải Gaza bằng đường biển. Trong thông trên mạng xã hội X, ông Juan Camilo - đại diện tổ chức World Central Kitchen, cho biết: “Không có đủ viện trợ tới Dải Gaza và chúng ta cần mở càng nhiều con đường tới Gaza càng tốt”.
Với việc không có đủ xe tải chở hàng viện trợ vào Dải Gaza bằng đường bộ sau hơn 5 tháng xung đột, người dân ở đây ngày càng đối mặt với nguy cơ nạn đói nghiêm trọng. Tình hình này đã thúc đẩy các nỗ lực đưa hàng cứu trợ vào vùng lãnh thổ này bằng đường không hoặc đường biển. Tuy nhiên, các cơ quan của Liên hợp quốc đã nhiều lần cho rằng việc vận chuyển bằng đường bộ là cách duy nhất để cung cấp đủ viện trợ cần thiết.