Malaysia đang trong giai đoạn 2 của làn sóng dịch thứ 3 bắt đầu từ tháng 9/2020. Kể từ tháng 4, số ca mới COVID-19 theo ngày đã tăng từ 4 chữ số lên 5 chữ số. Theo Tổng Thư ký của Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, dịch bệnh COVID-19 ở nước này được dự báo sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 9 tới với 24.000 ca mắc mới/ngày sau đó có thể giảm xuống dưới 1.000 ca vào tháng 10. Nguyên nhân được ông Noor Hisham giải thích là nhờ hiệu quả của vaccine có thể đạt 75% nếu tốc độ tiêm chủng đạt 100.000 liều/ngày cho liều thứ 2 và có thể đạt hiệu quả 80% vào tháng 10 nếu tốc độ đạt 150.000 liều/ngày cho liều thứ 2.
Cùng ngày, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Malaysia Khairy Jamaluddin đã cám ơn tất cả nhân viên tuyến đầu của Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 (PICK) đã đưa nước này trở thành quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, báo cáo tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội, ông Khairy cho biết Chính phủ Malaysia đang hướng tới mục tiêu vào cuối tháng 8/2021 sẽ hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 40% dân số trưởng thành.
Ngày 27/7, Malaysia đã đạt được cột mốc mới về tiêm chủng khi thực hiện được 553.871 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong một ngày, mức cao nhất từ trước tới nay và là lần thứ 3 vượt mốc 500.000 mũi tiêm/ngày. Hai lần trước là vào ngày 23/7 với 507.050 mũi tiêm và ngày 26/7 với 521.923 mũi tiêm. Tới ngày 27/7, Malaysia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1 cho 12.487.441 người, tương đương 38,2% dân số và hoàn thành tiêm 2 mũi cho 5.905.
* Campuchia có thêm một ngày nữa số ca mắc mới COVID-19 ở mức thấp so với nhiều tuần trở lại đây. Tuy nhiên, số ca nhập cảnh vẫn tăng cùng với đó là nỗi lo đã trở nên hiện hữu về biến thể Delta và cuộc chiến chống dịch chưa biết đến bao giờ mới thấy điểm dừng.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia xác nhận 766 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 307 ca nhập cảnh và 459 ca lây nhiễm cộng đồng. Bộ trên cũng thông báo có thêm 15 ca tử vong vì đại dịch. Như vậy tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 75.152 ca mắc COVID-19, trong đó 67.692 người đã khỏi bệnh và 1.339 người tử vong.
Báo Khmer Times cùng ngày dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng Campuchia cần quan tâm, theo dõi và thận trọng với các ca nhiễm biến thể Delta không triệu chứng. Những trường hợp giấu bệnh này có thể làm người bị lây nhiễm phát triển triệu chứng rất nhanh. Theo đại diện WHO tại Campuchia Lý Ái Lan (Li Ailan), số người mắc và tử vong vì COVID-19 tại Campuchia vẫn ở mức cao. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các biện pháp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 chưa thành công và virus tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Biến thể Delta đang thay thế các biến thể khác tại nhiều nước, trong đó có Campuchia và Campuchia cần chuẩn bị trước kịch bản đối phó với biến thể Delta, thậm chí là Delta Plus lan nhanh trong cộng đồng và một khi biến thể này xâm nhập vào người chưa tiêm phòng, số ca mắc COVID-19 sẽ lại tăng vọt, cùng với số người tử vong và số ca bệnh nặng ngày càng nhiều, gây sức ép lên hệ thống y tế nước này.
Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng, giới chức Campuchia thông báo, tính đến hết ngày 27/7, trên cả nước đã có 6.941.285 người được tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Chính quyền Phnom Penh cũng đã thông báo địa điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại toàn bộ 14 quận ở thủ đô. Theo đó, tại 14 quận sẽ có 150 điểm tiêm phòng là các trung tâm y tế và bệnh viện. Chiến dịch tiêm phòng COVID-19 mũi đầu tiên cho thanh thiếu niên sẽ bắt đầu từ ngày 1/8 và kéo dài đến 4/8 và mũi thứ hai từ 22/8-5/9 tới.
Campuchia đặt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 13 triệu người trên cả nước, trong đó có 2 triệu thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.