OCHA xác nhận nhiều người đã thiệt mạng ở huyện Bardhere thuộc vùng Gedo - nơi hứng chịu lượng mưa lớn nhất trong những ngày gần đây. Một số khu vực của Somalia đã ghi nhận lượng mưa thấp đến trung bình trong tuần qua, báo hiệu sự khởi đầu sớm của “Mùa mưa Gu” - diễn ra trong 3 tháng 4, 5 và 6 - ở quốc gia Đông Phi.
Theo dự báo mới nhất về Mùa mưa Gu 2023 được OCHA công bố tối 22/3 (giờ địa phương), mưa sẽ tiếp tục xuất hiện ở hầu hết các khu vực của Somalia trong suốt tháng 3, nhưng sẽ giảm xuống hơn mức trung bình vào cuối mùa. Trong khi đó, các cơ quan phụ trách vấn đề nhân đạo cũng nêu lên mối lo ngại về nguy cơ suy giảm điều kiện sống, đặc biệt là đối với những người di cư nội bộ (IDP) đang phải sinh hoạt trong các khu định cư quá đông đúc.
OCHA cho hay mưa lớn ở bang Galmudug, miền Trung Somalia, đã gây ra lũ quét và mất điện tại 2 thị trấn Adado và Dhusamareb hôm 21/3. Tại bang Puntland ở phía Đông Bắc Somalia, lũ lụt cũng tàn phá mùa màng và gia súc, cũng như hủy hoại cơ sở hạ tầng như cơ sở kinh doanh, nhà ở và các khu định cư IDP, buộc những người này phải di chuyển đến các khu vực cao hơn.
Mưa lớn xảy ra đúng thời điểm các cơ quan viện trợ đang phải vật lộn với tình trạng bùng phát dịch bệnh - gồm dịch tiêu chảy cấp/dịch tả và sởi, mà OCHA dự báo có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, cũng như thiếu các cơ sở và dịch vụ vệ sinh.
Cơ quan Quản lý thông tin về đất và nước ở Somalia thuộc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO) LHQ nhận định có 50% khả năng xảy ra lượng mưa dưới mức trung bình (khô hơn điều kiện bình thường) tại hầu hết các khu vực của quốc gia Đông Phi. OCHA cảnh báo: “Tình trạng này có thể dẫn đến mùa mưa thứ 6 ở dưới mức trung bình chưa từng được ghi nhận tại Somalia”. Cùng với nhiệt độ trên mức bình thường, lượng mưa thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mùa màng và sức tái sinh của đồng cỏ.
Theo OCHA, Gu - mùa mưa chính ở Somalia - đóng vai trò hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp, cũng như bổ sung nước và cỏ. Sự khởi đầu sớm của mùa mưa năm nay sẽ mang lại một số lợi ích cho những người phải gánh chịu những tác động do hiện tượng hạn hán kéo dài.
Trước đó, ngày 20/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố báo cáo mới ước tính 43.000 người đã tử vong trong đợt hạn hán dài nhất lịch sử Somalia vào năm ngoái. Khoảng 50% trong số này là trẻ em.
Somalia cùng 2 nước láng giềng Ethiopia và Kenya đang đối mặt với nguy cơ trải qua mùa mưa thứ 6 liên tiếp với lượng mưa cực thấp. Cuối tháng 9 năm ngoái, OCHA đánh giá đợt hạn hán kéo dài từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2022 là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 4 thập kỷ tại Somalia. Đợt thiên tai này gây ảnh hưởng tới khoảng 7,8 triệu người, trong đó có hơn 1,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. LHQ bày tỏ lo ngại nạn đói sẽ hiện hữu tại nhiều khu vực của Somalia nếu không có sự hỗ trợ khẩn trương, đặc biệt là những đối tượng dễ tổn thương nhất. Lần gần nhất xảy ra nạn đói ở Somalia là vào năm 2011, khiến khoảng 250.000 người thiệt mạng.