Lọc nước miễn phí để đổi lấy tín dụng cácbon

Vừa bảo vệ môi trường và cải thiện sức khỏe của 4 triệu người dân trong khi vẫn thu được lợi nhuận là mục tiêu của một công ty có trụ sở tại Thụy Sỹ. Công ty Vestergaard Frandsen hiện đang phân phối miễn phí các thiết bị lọc nước cho người dân tỉnh Western của Kênia để hướng tới mục tiêu thu về tín dụng cácbon.

Một người làng Shituhumi sử dụng LifeStraw để lọc nước tại nhà. Ảnh: AFP/TTXVN


Các công ty gây ô nhiễm sẽ có một hạn mức khí thải CO2 nhất định mà nếu muốn vượt quá hạn mức này cần phải bỏ tiền ra mua thêm tín dụng cácbon. Tín dụng cácbon có thể có được nhờ đầu tư vào một số dự án góp phần làm giảm phát thải CO2 hoặc mua lại hạn ngạch khí thải CO2 từ các công ty khác.

Vestergaard Frandsen đã đầu tư 30 triệu USD cho chương trình phân phối 900.000 thiết bị lọc nước tại Western, giúp giảm ô nhiễm môi trường nhờ việc không phải dùng củi đun nước. Thiết bị lọc nước LifeStraw là một bộ lọc bằng nhựa có khả năng loại bỏ tới 99% vi khuẩn, virút cũng như kí sinh trùng trong nước giếng và sông suối.

Với sự trợ giúp của 4.000 nhân viên y tế Kênia, Vestergaard Frandsen đã trang bị LifeStraw cho gần 90% hộ gia đình tại tỉnh Western, với tổng dân số gần 4,5 triệu người. Mục tiêu của chương trình này là đảm bảo cho 60% hộ gia đình không cần phải đun nước để sử dụng, từ đó giảm khí thải CO2, đồng thời giúp công ty thu về lượng tín dụng cácbon lớn.

“Xương sống” của chương trình là một hệ thống thu thập thông tin nhờ từng nhân viên y tế trực tiếp lắp đặt thiết bị LifeStraw báo cáo qua điện thoại về tên, ảnh người nhận thiết bị, cũng như số nhân khẩu cùng tọa độ qua hệ thống GPS của ngôi nhà. Với chương trình này, Vestergaard Frandsen hy vọng khí thải CO2 sẽ giảm 2 - 2,5 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, một số khó khăn cũng đã nảy sinh trong quá trình triển khai dự án. Vestergaard Frandsen đã tiến hành khảo sát nhanh tại một ngôi làng ở ngoại ô Kakanega, tỉnh Western. Cô Saouda Rajab, 27 tuổi, đã lấy hết can đảm để hỏi “liệu nước đã được lọc có thể giúp tránh thai hay không?”, thậm chí còn có tin đồn “những wazungu (người da trắng) đã bỏ thứ gì đó vào bên trong bộ lọc nước để hại dân làng”.

Vậy là Vestergaard Frandsen, một mặt phải giải thích rằng những lời đồn như trên là không có căn cứ, mặt khác lên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ của chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân để thuyết phục họ rằng LifeStraw “không có tác dụng phụ”, từ đó xóa bỏ mọi nghi ngại.

Theo nhận định của giới chuyên môn, công ty Vestergaard Frandsen đang hết sức mạo hiểm bởi thành công phụ thuộc vào việc dân làng có chấp nhận sử dụng rộng rãi bộ lọc nước hay không. Đồng thời, dự án này cũng phải chịu sự kiểm toán độc lập của một công ty do Gold Standard, một thương hiệu trong lĩnh vực giao dịch tín dụng cácbon mà LifeStraw đăng ký. Emmanuel Fages, nhà phân tích thị trường tín dụng cácbon, cho biết công ty kiểm toán sẽ đánh giá lượng khí thải CO2 nếu không có dự án này, sau đó xác định lượng khí thải thực tế khi dự án đi vào hoạt động.

Quang Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN