Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với cáo buộc vi phạm Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh 1973 liên quan đến vụ không kích mục tiêu Houthi tại Yemen. Các nghị sĩ Mỹ Rashida Tlaib và Val Hoyle đã lên mạng xã hội X, trước đây là Twitter, cho rằng ông chủ Nhà Trắng Biden vi phạm Hiến pháp khi ra lệnh không kích mà chưa được sự chấp thuận của quốc hội nước này.
Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh còn được gọi là Đạo luật Quyền lực Chiến tranh có nội dung chính hạn chế khả năng của Tổng thống Mỹ trong khởi xướng hoặc leo thang hành động quân sự ở nước ngoài.
Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ giải thích rằng nghị quyết này chỉ thị rằng trước tiên Quốc hội phải được hỏi ý kiến “trong mọi trường hợp có thể” trước khi một tổng thống Mỹ đưa quân đội nước này tham gia chiến sự ở nước ngoài.
Nghị quyết này cũng yêu cầu tổng thống phải báo cáo với Quốc hội trong vòng 48 giờ kể từ khi triển khai lực lượng Mỹ nếu Quốc hội chưa tuyên bố chiến tranh hoặc cho phép hành động theo luật. Như vậy, Tổng thống Biden về kỹ thuật không vi phạm đạo luật này. Theo truyền thông Mỹ, ông Biden có lịch trình sớm trao đổi với các thành viên quốc hội về vụ không kích tại Yemen.
Trong thời gian qua, các nghị sĩ và nhiều đời tổng thống Mỹ đã tranh luận về ý nghĩa của một số từ trong nghị quyết này, bao gồm thứ được coi là “thù địch”
Ông Brian Finucane - cố vấn cấp cao tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế lý giải rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đang viện dẫn phòng thủ tập thể và cá nhân dựa trên cơ cở pháp lý quốc tế trong cuộc không kích chống lại Houthi ở Yemen.
Tờ Guardian (Anh) dẫn tuyên bố chung chính thức do Nhà Trắng công bố hôm 11/1 cho thấy chính phủ Australia, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Anh và Mỹ nêu rõ họ sẽ “không ngần ngại bảo vệ sinh mạng và dòng chảy thương mại tự do tại một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới”.
Nhà Trắng nhấn mạnh: “Để đối phó với các cuộc tấn công bất hợp pháp, nguy hiểm và gây mất ổn định liên tục của Houthi nhằm vào các tàu biển, bao gồm cả tàu thương mại, đi qua Biển Đỏ. Lực lượng vũ trang của Mỹ, Anh, với hỗ trợ từ Hà Lan, Canada, Bahrain và Australia, đã phối hợp tấn công chiểu theo quyền tự vệ cá nhân và tập thể vốn có, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, chống lại một số mục tiêu trong các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen”.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles ngày 12/1 xác nhận Canberra đã hỗ trợ nhân sự cho Mỹ và Anh trong các cuộc tấn công nhằm vào Houthi ở Yemen. Ông Marles nói trong một cuộc họp báo: “Australia hỗ trợ những hành động này qua hình thức nhân sự ở trụ sở hoạt động. Australia sẽ duy trì hỗ trợ các động thái nhằm khẳng định trật tự dựa trên luật lệ toàn cầu”.
Trước diễn biến này, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã kêu gọi “kiềm chế” và “tránh leo thang”. Saudi Arabia tuyên bố hết sức quan tâm đến các hoạt động quân sự diễn ra ở Biển Đỏ cũng như các cuộc tấn công vào một số địa điểm ở Yemen.
Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao của Houthi Mohammed al-Bukhaiti lên tiếng cảnh báo Mỹ và Anh sẽ phải “hối tiếc” khi tấn công Yemen.
Là cầu nối quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải, Biển Đỏ là tuyến đường thương mại quan trọng cho vận tải biển và cung cấp năng lượng toàn cầu. Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát và leo thang sau vụ nổ ngày 17/10 tại một bệnh viện ở Gaza khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, các lãnh đạo Houthi khẳng định Israel là mục tiêu của họ.
Houthi mô tả các cuộc tấn công gần đây của lực lượng là chiến dịch đoàn kết với 2,2 triệu người Palestine ở Gaza sống dưới bao vây và bắn phá của Israel. Người phát ngôn của Houthi cho hay lực lượng này đã tấn công 2 tàu của Israel là Unity Explorer và Number Nine ngày 3/12/2023 bằng máy bay không người lái và tên lửa. Không có ai bị thương sau các vụ tấn công, nhưng các tàu thương mại có chịu hư hại.
Vào tháng 11/2023, lực lượng này cướp tàu thương mại Galaxy Leader có liên quan đến Israel và bắt thủy thủ đoàn làm con tin. Vụ việc xảy ra khi con tàu trên hải trình từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ấn Độ.
Vào ngày 12/12/2023, Houthi xác nhận đã tấn công bằng tên lửa một ngày trước đó nhằm vào tàu chở dầu thương mại Strinda treo cờ Na Uy.