Tuyên bố trên được đưa ra trong phiên họp khẩn cấp lần thứ 30 của APU, với sự tham dự của đại diện từ 20 nước Arab, được tổ chức tại thủ đô Amman của Jordan.
Tại phiên họp, Chủ tịch Hạ viện Jordan Atef Tarawneh khẳng định Palestine đang phải đối mặt với tình hình khó khăn nhất từ trước đến nay, đặc biệt là việc chiếm đóng của Israel lại được bảo vệ bằng sự thiên vị của Mỹ.
Ông Tarawneh đồng thời cũng là Chủ tịch APU, đã kêu gọi thành lập một “mặt trận Arab phản đối” nhằm loại bỏ sự chia rẽ và tăng cường sự thống nhất. Ông nói thêm rằng sẽ không có tương lai cho bất cứ giải pháp nào mà bị người Palestine bác bỏ cũng như không có giải pháp nào là khả thi ngoài việc lập một nhà nước Palestine độc lập trên chính mảnh đất dân tộc của họ với đường biên giới trước năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Palestine Salim Zanoun khẳng định những giải pháp được Mỹ đề cập tới trong thỏa thuận hòa bình Trung Đông là mang tính hủy diệt và bị phản đối bởi chúng phớt lờ quyền trở về của người tị nạn Palestine và công nhận toàn bộ Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trước đó, ngày 1/2 vừa qua, tại phiên họp khẩn của Liên đoàn Arab (AL) diễn ra tại thủ đô Cairo (Ai Cập), các Ngoại trưởng AL đã đồng loạt nhất trí tẩy chay kế hoạch hòa bình của Mỹ, và tuyên bố không hợp tác "trong bất cứ hình thức nào" với Washington trong việc thực thi văn kiện này. Cũng tại phiên họp này, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố sẽ cắt mọi quan hệ, trong đó có hợp tác an ninh, với Israel và Mỹ.
Hôm 28/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi dài 80 trang, trong đó kêu gọi giải pháp hai nhà nước, song vẫn tuyên bố Jerusalem là "thủ đô không thể chia cắt" của Israel.
Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ của mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Người Palestine đang nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine với các phần lãnh thổ bên trong các đường biên giới trước năm 1967, và thủ đô là Đông Jerusalem.