Trong tuyên bố được đưa ra thay mặt Tổng Thư ký Guterres, phó phát ngôn LHQ Farhan Haq nêu rõ: “Tổng Thư ký tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Sri Lanka... lên án mọi hành động bạo lực và kêu gọi các bên liên quan phải chịu trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng tối cao của việc duy trì hòa bình”. Ngoài ra, tuyên bố cũng nêu rõ: “LHQ sẵn sàng hỗ trợ Sri Lanka và người dân nước này”.
Trước đó, Điều phối viên thường trú đồng thời là quan chức phụ trách nhân đạo hàng đầu của LHQ ở Sri Lanka - bà Hanaa Singer ngày 10/7 ra tuyên bố cho rằng việc chấm dứt ngay lập tức cuộc khủng hoảng chính trị thông qua đối thoại là điều cần thiết để nước này có thể “đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập”.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã di chuyển đến nơi an toàn trước khi người biểu tình xông vào dinh thự của ông. Theo các nguồn tin, việc ông từ chức chỉ có thể được chấp nhận khi ông gửi đơn lên Chủ tịch Quốc hội nước này.
Theo nhật báo Mirror của Anh,Tổng thống Rajapaksa đã lên một tàu hải quân neo đậu trong vùng lãnh hải của Sri Lanka sau cuộc biểu tình ngày 9/7 vừa qua. Sau đó, ông đã trở lại đất liền ngày 11/7 và gặp Tham mưu trưởng và các tướng lĩnh quân đội vào sáng cùng ngày.
Trước đó ngày 9/7, Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena thông báo trong cuộc họp báo rằng Tổng thống Rajapaksa sẽ từ chức vào ngày 13/7. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có xác nhận chính thức nào từ phía Tổng thống Rajapaksa về thông tin này.